Căn hộ Condotel liên tục được rao bán cắt lỗ sâu

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng liên tục gặp khó khăn khi rào cản về pháp lý vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn khiến cho nhà đầu tư không còn muốn tham gia vào thị trường này vì tính rủi ro cao. Hiện tượng rao bán cắt lỗ căn hộ Condotel liên tục diễn ra sau dịp Tết Nguyên Đán, có những căn rao bán cắt lỗ cả tỷ đồng.

 

Căn hộ Condotel liên tục được rao bán cắt lỗ sâu - Ảnh 1

Trong khi thị trường bất động sản đón nhận nhiều thông tin tích cực trong giao dịch mua bán nhà đất ở các phân khúc bất động sản thì loại hình condotel lại có xu hướng đi ngược lại với thị trường.

Thời gian gần đây, không ít thông tin rao bán cắt lỗ Condotel view đẹp với giá cắt lỗ phổ biến vài trăm triệu đồng mỗi căn. Thậm chí, có những căn rao bán cắt lỗ sâu đến 40-50%, khoảng 700 triệu đồng đến cả tỉ đồng so với giá hợp đồng lúc ký với chủ đầu tư.

Đơn cử như một căn hộ condotel biển Cam Ranh gần sân bay thuộc khu nghỉ dưỡng The Arena đang được rao bán cắt lỗ 690 triệu đồng bao hết phí sang tên. Thông tin từ người rao bán cho biết, Chủ đầu tư dự án đang được bán với giá 2,5-3 tỷ đồng/căn nhưng chủ nhà chịu bán cắt lỗ.

Ảnh chụp màn hình
Ảnh chụp màn hình

Tại Quảng Ninh, một số biệt thự nằm trên đường Hạ Long, phường Bãi Cháy đang được chủ rao bán cắt lỗ từ 3 đến 8 tỷ đồng mỗi căn so với thời kì thị trường sốt nóng.

Hay tại khách sạn nghỉ dưỡng FLC Grand Hotel Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều căn condotel được rao cắt lỗ 500-600 triệu đồng. Cụ thể, một căn condotel tầng 19 của khách sạn trên có giá trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư là 1,47 tỷ đồng, nhưng giờ chủ sở hữu bán giá cắt lỗ là 950 triệu đồng. Tương tự, một căn condotel khác có giá cắt lỗ 1,1 tỷ đồng, trong khi đó hợp đồng mua bán là 1,7 tỷ đồng…

Nguồn: batdongsan.com.vn
Nguồn: batdongsan.com.vn

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại một số địa phương khác trên cả nước. Theo nhận định, vấn đề không chỉ nằm ở sự phát triển quá mức tại một số điểm đến du lịch mà còn do những sản phẩm chưa phù hợp với yêu cầu thị trường. Nhiều chủ đầu tư chạy đua phát triển các sản phẩm “luxury” và “wellness” nhưng chưa thật sự hiểu đúng các khái niệm này cũng như thiếu sự cân nhắc đến các yếu tố cộng hưởng xung quanh.

Cung lớn hơn cầu

Theo thống kê của Savills Hotels, kể từ năm 2016, trung bình có khoảng 15.000 phòng thuộc phân khúc trung - cao cấp gia nhập thị trường lưu trú mỗi năm. Theo đó, nguồn cung phòng đã gia tăng gấp đôi chỉ trong vòng 6 năm.

Còn theo nghiên cứu của bộ phận Nghiên cứu thị trường - BHS Group (BHS R&D), từ năm 2020 đến nay, cả nước có 81 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã và đang trong quá trình bàn giao, cung cấp ra thị trường hơn 44.000 sản phẩm, bao gồm cả cao tầng và thấp tầng. Trong đó có tới 67/81 dự án đã đi vào khai thác vận hành, tương đương với con số gần 20.000 sản phẩm.

Đáng chú ý chỉ có 31/67 dự án được vận hành toàn phần, còn lại là các dự án vận hành theo từng phần. Điều này giải thích cho việc chỉ với khoảng 14/81 dự án chưa vận hành nhưng lại có tới hơn 24.000 sản phẩm “bơ vơ”.

Vấn đề này xuất phát từ phương thức xây dựng và bán hàng “cuốn chiếu” mà các chủ đầu tư áp dụng khi triển khai dự án với quy mô lớn được chia thành các phân kỳ khác nhau. Đây là cách duy trì dòng tiền cho chủ đầu tư và thu hút khách hàng cho những sản phẩm đang bán tiếp theo.

Theo ông Hoàng Hữu Minh Dũng – Trưởng ban R&D BHS Group nhìn nhận bên cạnh tình trạng toàn thị trường địa ốc gặp khó do suy thoái kinh tế chung, tỉ lệ lớn các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng “bơ vơ” do chưa có đơn vị chuyên nghiệp đứng ra khai thác vận hành là một phần nguyên nhân khiến dòng bất động sản nghỉ dưỡng kém hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 thời gian qua chưa thực sự rõ ràng nên các địa phương cũng khó áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp cấp chứng nhận quyền sở hữu cho các nhà đầu tư tham gia phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Mặc dù đã có một số địa phương cam kết cấp sổ đỏ, một số nơi đi theo xu hướng hỗ trợ, nhưng đều sai quy định nên bị ách tắc trong thời gian dài.

Cùng nhiều lý do khác như kinh tế suy giảm gây ra suy giảm nghiêm trọng lực cầu về khách du lịch, chi phí du lịch trong nước còn cao, giá vé máy bay đi lại lớn hơn nhiều so với tour du lịch, và nhiều vấn đề khác đã kéo theo đà giảm mạnh của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Hà Thu

Theo Chất lượng và cuộc sống