Chuyên gia tiết lộ thời điểm thị trường bất động sản sôi động trở lại

Chuyên gia dự báo, giai đoạn 2023-2024 là thời điểm thị trường bất động sản sôi động trở lại nhờ động lực từ dòng vốn ngoại cùng các chính sách điều tiết bình ổn của Chính phủ. Bên cạnh đó, tín hiệu lạc quan của thị trường cũng dần xuất hiện khi 11 tháng qua đã có gần 4,19 tỷ USD từ nhà đầu tư nước ngoài "chảy" vào ngành kinh doanh bất động sản và có hơn 8.200 doanh nghiệp thuộc ngành này thành lập mới.

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, sau 11 tháng, ngành kinh doanh bất động sản đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 4,19 tỷ USD, chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đáng chú ý, sau 11 tháng, kinh doanh BĐS có 8.202 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, 1.081 DN giải thể. So với cùng kỳ năm 2021, kinh doanh bất động sản có 6.713 DN thành lập mới, 751 giải thể. Cùng kỳ năm 2020, kinh doanh bất động sản 6.087 DN, 885 DN giải thể.

Từ số liệu này có thể thấy, dù thị trường đang trầm lắng bởi dòng tiền trục trặc, nhiều DN đã cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy để "cầm hơi", song, như nhiều chuyên gia đã nhận định, thị trường vẫn dành cơ hội cho những DN có tiềm lực và kế hoạch tài chính dài hạn.

Thị trường sẽ sôi động trở lại trong giai đoạn 2023-2024

Số liệu thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, nguồn cung các dự án lần đầu vào thị trường năm 2018 khoảng 200.000 sản phẩm mới, năm 2019 hơn 100.000 sản phẩm, năm 2020 và 2021 giảm xuống 60.000 sản phẩm. Tuy nhiên, 2 quý đầu năm 2022 chỉ còn hơn 20.000 sản phẩm, được xem là sản phẩm chính của thị trường. Trong khi đó sản phẩm không chính thống là đất nền được tung vào thị trường cao hơn gấp 1,5 lần sản phẩm chính. Đây chính là nguyên nhân mà các ngân hàng buộc phải tạm dừng vốn đổ vào bất động sản.

Thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại trong giai đoạn 2023-2024
Thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại trong giai đoạn 2023-2024

Các phân khúc nhà ở giá rẻ nhu cầu lớn nhưng nguồn cung thiếu và yếu nên giá cả tăng mạnh, so với năm 2021 thì thời điểm hiện tại giá nhà đã tăng khoảng 30%, so với năm 2019 đã tăng 50%. Đặc biệt với phân khúc căn hộ ở tầm 25 triệu đồng/m2 nay không còn tìm thấy trên thị trường.

Xét về giá, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án cũng tăng trung bình 15 - 20%. Giá đất nền tăng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020. Giá nhà tăng lên và không phù hợp với thị trường nên khả năng hấp thụ của thị trường thấp. Nhiều dự án khuyến mãi từ 15 - 35% sản phẩm để tăng hấp thụ.

Nhận định về thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, từ nay đến cuối năm, một số phân khúc có điểm sáng đó là bất động sản nghỉ dưỡng, công nghiệp, nhà ở xã hội thu nhập thấp dư địa tiềm năng vẫn còn lớn. Nhu cầu đầu tư và nhu cầu thực tại các phân khúc này cũng tương đối lớn.

"Như phân khúc công nghiệp đang có tỷ lệ lấp đầy tới 89%, kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng của giới chuyên gia, đội ngũ công nhân cũng rất cao. Do đó, các địa phương sẽ cần đẩy mạnh phát triển các phân khúc, sản phẩm dịch vụ ăn theo", ông Đính chia sẻ.

Ông Đính nhận định, mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng những điểm nghẽn khó khăn phải kể đến như các quy định của pháp luật, các thủ tục pháp lý đang khiến nhiều dự án nằm chờ chưa thể triển khai. Ông cho biết: “Thời gian vừa qua, Chính phủ đang cố gắng tháo gỡ các rào cản khó khăn, tôi tin rằng thị trường sẽ dần có cân bằng tốt hơn trong năm 2023”.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Kinh tế Tài chính nhận định, mốc thời điểm năm 2023 là giai đoạn phục hồi của bất động sản. Trong trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố cơ bản.

"Thời điểm hiện tại, thị trường đang thanh lọc để minh bạch hơn. Trong thời gian tới, với động lực từ dòng vốn ngoại, các chính sách điều tiết bình ổn của Chính phủ, thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng sôi động trở lại", ông Thịnh chia sẻ.

Bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn

Dù thị trường trầm lắng nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản được thành lập mới. Nhiều chuyên gia nhận định, khi thị trường gặp khó khăn, một số doanh nghiệp giải thể lại là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mới hoạt động. Và bất động sản vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu bởi tính an toàn và lợi nhuận cao.

Theo số liệu được công bố bởi Batdongsan.com.vn, tính từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2022, đất và nhà ở có chỉ số tăng giá cao nhất, xếp sau là vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm.

Cụ thể, tính đến tháng 6/2022, chỉ số giá đất tăng 86% so với thời điểm tháng 1/2020. Trong khi đó, mặc dù chỉ số giá vàng và chứng khoán đã tăng mạnh vào tháng 1 năm nay, lần lượt tăng 44% và 57% (so với tháng 1/2020) nhưng bước sang tháng 6/2022, cả hai đã cùng giảm nên mức tăng so với tháng 1/2020 còn 34% và 21%.

Trong khi các kênh đầu tư khác biến động mạnh thì bất động sản được coi là “hầm trú ẩn” an toàn của dòng tiền, là kênh đầu tư sinh lời bậc nhất hiện nay. Đặc biệt là những dòng sản phẩm bất động sản thực, có tính thanh khoản cao, đảm bảo tiến độ, chất lượng, uy tín của chủ đầu tư thì càng được quan tâm nhiều hơn.

Bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn
Bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, cùng với chính sách kiểm soát tín dụng thận trọng trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản, giai đoạn dòng tiền “dễ” đã thực sự đi qua. Đây là giai đoạn dòng tiền chuyển hướng vào những sản phẩm bất động sản có giá trị thực, hội đủ các yếu tố: giá cả hợp lý vị trí, tiện ích, chất lượng, tiến độ và thương hiệu.

Một chuyên gia bất động sản độc lập cho biết: “Nhà đầu tư, khách hàng có tiền nhàn rỗi mua một mảnh đất rồi để đó vài năm là có thể sinh lời. Việc sinh lời từ BĐS hấp dẫn hơn rất nhiều so với ngành nghề khác. Mà như chúng ta thấy, ở thời điểm này, giá bất động sản vẫn không hề giảm, nhất là ở phân khúc căn hộ...”.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam trong khoảng 6 năm gần đây đang phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người cũng đang được cải thiện, tầng lớp người có tiền mới cũng tăng lên. Từ đây kéo theo nhu cầu về nhà ở, đầu tư BĐS.

Ngay cả trong "cơn bão" COVID-19, nền kinh tế ảnh hưởng trầm trọng nhưng BĐS vẫn phát triển, giá nhà ở vẫn không ngừng tăng. Có chăng, từ giữa năm nay, khi động thái siết tín dụng của cơ quan Nhà nước mới ảnh hưởng rõ nét đến thị trường.

Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lời rất tốt. Thêm nữa, một yếu tố quan trọng khiến DN thành lập mới ở lĩnh vực BĐS vẫn rất cao, đó chính là nhu cầu, nhu cầu về nhà đất vẫn rất lớn, đặc biệt là phân khúc vừa túi tiền.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống