Cơ hội cho bất động sản ‘giá trị thật’ phát triển

Khi thị trường tăng trưởng nóng, các nhà đầu tư lướt sóng hầu hết đều thắng. Nhưng từ quý 2/2022 đến nay thì không ít nhà đầu tư rất khó ra hàng vì thị trường giảm nhiệt.

Sắp tới, khi ngày càng nhiều nhà doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực lân cận Tp.HCM thì mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn. Khi đó, xu hướng điều chỉnh giá sẽ trở nên mạnh mẽ và giá trị thật của bất động sản có thể sẽ được xác lập.

Việc đầu tư, đầu cơ sử dụng đòn bẩy tài chính cũng giảm xuống và dòng tiền chủ yếu chảy vào các dự án thực sự tiềm năng. Đây sẽ là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư có tài chính mạnh sàng lọc, lựa chọn được những sản phẩm tốt nhất.

Gần đây khi thị trường Tp.HCM giá đất tăng cao thì Bình Dương là một trong những khu vực ghi nhận giao dịch bất động sản vẫn ổn định. Trong đó, tam giác công nghiệp Tân Uyên - Phú Giáo - Bến Cát là khu vực nổi bật khi Bình Dương dịch chuyển phát triển công nghiệp về phía Bắc.

Mới đây, cùng lúc hai khu công nghiệp đều có quy mô 1.000 ha gồm VSIP 3 và Cây Trường đã bắt đầu khởi công xây dựng tại đây. Đặc biệt, từ nay đến 2025 Phú Giáo sẽ phát triển thêm 5 khu công nghiệp lớn để đón đầu dòng vốn FDI.

Quy hoạch Khu công nghiệp VSIP 3 (Bình Dương).
Quy hoạch Khu công nghiệp VSIP 3 (Bình Dương).

Bình Dương đang tập trung đầu tư hệ thống giao thông quy mô lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Các dự án điển hình gồm mở rộng, nâng cấp đường ĐT 741; các tuyến đường tạo lực Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Phú Giáo - Đồng Phú, quốc lộ 13; quốc lộ 14; đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn; xây dựng cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Vành đai 3, Vành đai 4...

Bên cạnh đó, hai địa phương Bến Cát, Tân Uyên dự kiến lên thành phố vào năm 2025 cũng tạo nên cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.

Những yếu tố nói trên đang giúp Bình Dương tăng tốc thu hút vốn FDI và kéo theo nguồn lao động nhập cư rất lớn. Không chỉ lao động thông thường, Bình Dương đang là nơi “đất lành chim đậu” của lực lượng lao động kỹ thuật cao và chuyên gia trong cũng như ngoài nước. Hiện Bình Dương đang có khoảng 2,8 triệu dân và mỗi năm tăng thêm khoảng 5-7%. Đây là động lực lớn của thị trường bất động sản bởi nhu cầu nhà ở rất cao, nhất là các dự án ở những đô thị đang phát triển hoặc liền kề các khu công nghiệp lớn đang hoạt động.

Nhộn nhịp nhất chính là dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản. Mới đây, Gamuda Land đã tiết lộ kế hoạch mua lại một dự án thành phần của “siêu” dự án thành phố mới Bình Dương. Gamuda Land đặt mục tiêu phát triển dự án này trở thành khu phức hợp với các hoạt động văn hóa, thương mại sầm uất ngay trung tâm thành phố mới Bình Dương.

Trước đó, những tên tuổi lớn của nước ngoài như Tukyu, GoucoLand, CapitaLand, Setia, MapleTree, Sembcorp, AEON, Central Retail... đều triển khai các dự án đô thị, nhà ở hoặc bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp trên địa bàn Bình Dương. Các tập đoàn lớn của Việt Nam cũng nhanh chóng nhận diện tiềm năng của Bình Dương, nhất là đầu tư phát triển các dự án nhà ở đáp ứng nhu cầu đang tăng cao.

Thị trường bất động sản Bình Dương đang là “điểm sáng” thu hút dòng vốn đầu tư nhờ nắm giữ nhiều lợi thế bền vững về phát triển công nghiệp, thương mại và quỹ đất rất lớn. Cùng với đó, tỉnh đang tăng tốc đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông nhằm gia tăng khả năng kết nối liên vùng cũng là đòn bẩy giúp bất động sản cất cánh.

Theo Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết, ước thu ngân sách tháng 8/2022 do Cục Thuế tỉnh này thực hiện là 2.800 tỷ đồng, lũy kế thu 8 tháng là 30.485,4 tỷ đồng, đạt 74,3% so dự toán năm Bộ Tài chính giao. Mặc dù chỉ đạt khoảng 97% cùng kỳ nhưng một số khoản thu vượt trội từ tiền sử dụng đất và chuyển nhượng bất động sản phát sinh đã góp phần tăng số thu tổng thể trong 8 tháng qua.

Trong số các khoản thu có 3 khoản thu vượt trội: Thứ nhất là lĩnh vực kinh tế dân doanh, ước thu tháng 8/2022 là 710 tỷ đồng, lũy kế thu 8 tháng là 7.062,4 tỷ đồng, đạt 84,1% so dự toán năm Bộ Tài chính giao và bằng 112,6% so với cùng kỳ. Nguồn thu trên do sự phục hồi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng thời có phát sinh các khoản thu đột biến do chuyển nhượng bất động sản của một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn.

Tiếp đến là khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân, ước thu tháng 8/2022 là 400 tỷ đồng, lũy kế thu 8 tháng là 4.732,6 tỷ đồng, đạt 77% so dự toán năm Bộ Tài chính giao và bằng 107,2% so với cùng kỳ. Nguồn thu thuế thu nhập cá nhân chủ yếu là thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công và do thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Vượt trội hơn cả là khoản thu từ tiền sử dụng đất, ước thu tháng 8/2022 là 300 tỷ đồng, lũy kế thu 8 tháng là 2.997,7 tỷ đồng, đạt 119,9% so dự toán năm Bộ Tài chính giao và bằng 139% so với cùng kỳ. Nguồn thu này đạt cao do hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong dân trong các tháng đầu năm.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống