Dòng tiền có quay lại bất động sản năm 2023?

Nhờ tháo gỡ về mặt pháp lý và vốn, các chuyên gia kỳ vọng thị trường bất động sản trong năm 2023 sẽ dần phục hồi và qua đó thu hút dòng tiền đầu tư quay trở lại.

 

Dòng tiền có quay lại bất động sản năm 2023? - Ảnh 1
 

Theo đó, động lực để thị trường bất động sản thu hút dòng vốn đến từ nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của Chính phủ giúp lành mạnh hóa và tăng tính minh bạch, thúc đẩy thị trường bất động sản khôi phục đà tăng trưởng.

Một năm đầy khó khăn của bất động sản

Thị trường bất động sản trong năm 2022 đã chứng kiến quá nhiều biến động.

Nhiều vụ đại án, bê bối bị phanh phui, xử lý đã khiến niềm tin vào thị trường gần như “chạm đáy”. Giới đầu tư tỏ ra thận trọng khi tham gia thị trường, phản ánh vào sự sụt giảm của sức mua ở nhiều phân khúc, đặc biệt phân khúc cao cấp “lao dốc”.

Mặt khác, động thái siết tín dụng và kiểm soát chặt hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, không thể tiếp tục triển khai các dự án dở dang, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung trên thị trường.

Chưa kể, việc lãi suất cho vay tăng mạnh trước áp lực lãi suất huy động tăng vọt do các ngân hàng thương mại “cạn” room tín dụng càng khiến người mua nhà thêm đắn đo. Nguồn vốn huy động từ khách hàng của doanh nghiệp địa ốc cũng “bóp nghẹt”.

Nói cách khác, doanh nghiệp bất động sản năm 2022 phải đối mặt với một “ma trận” khó khăn, thách thức.

Thị trường bất động sản được gỡ khó

Trong cuộc họp cuối năm 2022 của Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay, Chính phủ đã thành lập tổ công tác gỡ vướng về thị trường bất động sản.

Theo đó, Tổ công tác đã xác định nhiệm vụ, giải pháp và đang từng bước thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp này, bước đầu đã có những tín hiệu tích cực. Các dự án đang bị vướng mắc về pháp lý sẽ được Tổ công tác tìm cách tháo gỡ, đặc biệt là các dự án nhà ở thương mại.

Dòng tiền có quay lại bất động sản năm 2023? - Ảnh 2
Hiện có hơn 1.000 dự án nhà ở thương mại gặp vướng mắc.

Ông Dũng cho biết, hiện có hơn 1.000 dự án nhà ở thương mại gặp vướng mắc, nếu được tháo gỡ sẽ tạo ra lượng nguồn cung lớn cho thị trường trong năm tới.

“Tôi tin rằng, với sự triển khai đồng bộ của Chính phủ, Bộ, ngành, Tổ công tác, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ ổn định và phát triển tốt hơn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cho biết thêm, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của Bộ Xây dựng và thị trường bất động sản là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, và nhà ở cho công nhân thu nhập thấp. Cụ thể, Bộ sẽ tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về việc lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp và cải tạo, xây dựng lại các dự án chung cư cũ.

Mặt khác, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành nguồn vốn tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội vay theo phương thức tái cấp vốn. Đồng thời triển khai có hiệu quả kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ phê duyệt.

“Thực hiện hiệu quả đề án sẽ góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp”, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nói.

Dòng tiền sẽ quay lại?

Các chuyên gia bất động sản vẫn giữ quan điểm lạc quan về tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam tương đối ổn định, quá trình đô thị hóa nhanh với 36% dân số sống tại thành thị. Ngoài ra, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ cũng là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam.

“Mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp một số khó khăn nhưng chúng tôi liên tục ghi nhận sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đối với tất cả các phân khúc”, ông Neil MacGregor nói.

Dòng tiền có quay lại bất động sản năm 2023? - Ảnh 3
Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư nước ngoài.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong năm 2023, thị trường bất động sản hoàn toàn có cơ sở phục hồi do áp lực tăng lãi suất trên thế giới đã giảm giúp áp lực tỷ giá, lãi suất trong nước “hạ nhiệt”; các vụ việc tiêu cực cũng đã được xử lý góp phần thanh lọc thị trường bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nên nhìn nhận những vụ đại án kinh tế năm 2022 chỉ là cá biệt. Về cơ bản, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn ổn định và trong năm 2023 sẽ có nhiều điểm sáng bởi các doanh nghiệp địa ốc đã cơ cấu lại sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm có tính thanh khoản tốt, phục vụ nhu cầu ở thực của số đông người dân.

Đạt Trần

Theo Kinh doanh và Phát triển