Lãi suất cho vay tiếp tục “lao dốc”, cơ hội lớn dành cho người mua nhà?
Tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 Chính phủ yêu cầu NHNN phải làm việc ngay với các TCTD, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay;…Đây được đánh giá là cơ hội lớn đối với người mua nhà nếu có ý định vay vốn từ ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm
Tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ yêu cầu NHNN sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
NHNN phải làm việc ngay với các TCTD, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các TCTD hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn …
Trên tinh thần đó, NHNN cho biết từ nay đến cuối năm, với những chỉ đạo quyết liệt hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm khả quan. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đặc biệt, NHNN tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các TCTD công bố công khai lãi suất cho vay bình quân, chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn có tính mùa vụ cao đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, cà phê, thủy sản,…).
Đồng thời, rà soát để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế: lĩnh vực bất động sản, các dự án hạ tầng giao thông, các ngành như xi măng, sắt, thép, vật liệu xây dựng…
Triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Cơ hội lớn cho người mua nhà?
Theo các chuyên gia, lãi suất vay mua nhà được cho là đang ở mức hợp lý. So với giữa năm trước là 10-12%/năm, thậm chí trước đó còn cao hơn, thì mức lãi suất ưu đãi 5-6%/năm cho vay mua nhà hiện khá hấp dẫn.
Khảo sát qua một chút với các ngân hàng 100% vốn nước ngoài hiện có lãi suất ưu đãi vay mua nhà thuộc nhóm thấp nhất thị trường, trung bình không quá 6%/năm và được cố định cho tối đa 3 năm đầu tiên.
Đơn cử như Shinhanbank đang áp dụng lãi suất cho vay 5,2%/năm cố định năm đầu; 5,5%/năm cố định 2 năm đầu; 6%/năm cố định 3 năm đầu. Còn lãi suất cho vay mua nhà tại Wooribank hiện là 5,3%/năm cố định 6 tháng đầu hoặc 5,6%/năm cố định một năm đầu.
Trong khi đó, Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất vay mua nhà hiện dao động trong khoảng 4,6-7,9%/năm, tùy từng kỳ hạn. Chẳng hạn như VPBank áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà từ 4,6%/năm cố định trong 3 tháng, 5,9%/năm cố định trong 6 tháng; 6,8%/năm cố định trong 12 tháng.
TPBank với lãi suất vay mua nhà ở mức 6% trong 12 tháng, 7,6% cố định 24 tháng, thời gian vay tối đa 8 năm. VIB cũng đang giữ lãi suất vay thế chấp mua chung cư là 5,9% cố định 6 tháng, 6,9% cố định 12 tháng, 7,9% cố định 24 tháng hoặc 8,9% cố định 36 tháng.
Đánh giá về việc lãi suất thấp như hiện nay có phải cơ hội dành cho người có ý định vay ngân hàng để mua nhà, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng lãi suất thấp khi vay mua nhà chủ yếu là lãi suất ưu đãi và đa phần chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn.
Sau giai đoạn này, lãi suất có thể bật tăng cao. Do đó, người vay cần xem kỹ lãi suất sau thời gian ưu đãi được tính thế nào cũng như biên độ ra sao, tránh rơi vào trường hợp biên độ quá cao. Ông Hiếu đưa lời khuyên số tiền trả nợ cho ngân hàng bao gồm cả gốc lẫn lãi nên dưới 50% thu nhập hàng tháng. Nếu tỷ lệ này ở trên 70% là ngưỡng nguy hiểm.
Khi vay vốn mua nhà, khách hàng chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi trong một thời hạn nhất định, có thể là 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm. Hết các kỳ hạn này, lãi suất sẽ thả nổi, thay đổi tùy theo biên độ và quy định của từng ngân hàng.
Với tình hình hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay thấp có thể duy trì đến cuối năm 2024, nhưng khả năng sau đó sẽ tăng nếu kinh tế hồi phục, tín dụng tăng. Các ngân hàng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, kéo theo lãi suất cho vay mua nhà trong năm sau cao hơn hiện nay.
Hiện lãi suất thả nổi sau ưu đãi cho các khách vay cũ của nhóm ngân hàng quốc doanh quanh 9-10%/năm, trong khi một số nhà băng tư nhân vẫn neo cao trên 12%.
Vì vậy, theo giới chuyên gia, các khách hàng nên ưu tiên lựa chọn các gói vay với lãi suất cố định trong thời gian dài, nhằm ổn định phương án tài chính, tránh các rủi ro từ việc thay đổi của lãi suất thị trường.