M&A bất động sản Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài săn đón
Năm 2023 là một năm sôi động đối với thị trường M&A tại Việt Nam khi thời gian qua thị trường đã chứng kiến với nhiều thương vụ lớn, qua đó phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bất động sản nói riêng.
Nửa đầu năm 2023, thị trường ghi nhận sự mở rộng của các nhà sản xuất lớn như Foxconn, Goertek tại các khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh. Các doanh nghiệp khác như BOE, Quanta, Samsung cũng đã lên kế hoạch đầu tư đáng kể vào các nhà máy tại Việt Nam.
Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đang quan tâm hơn đến các khu vực vệ tinh, thị trường bất động sản công nghiệp đã ghi nhận loạt khu công nghiệp mới được phát triển hoặc mở rộng tại các tỉnh lân cận TP.HCM và Hà Nội. Lego, công ty hàng đầu về sản xuất đồ chơi, đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào khu công nghiệp VSIP III tại Bình Dương. Một ví dụ nổi bật khác là thỏa thuận liên doanh giữa liên doanh logistics LOGOS của Australia và quỹ đầu tư Manulife của Canada để xây dựng khu công nghiệp tại Đồng Nai.
Một trong những giao dịch đáng chú ý trong nửa đầu năm 2023 tại Việt Nam là việc Tập đoàn ESR mua lại BW Industrial Development. Tổng giá trị thương vụ mua lại là 450 triệu USD, đây là thương vụ M&A lớn nhất trên thị trường bất động sản. Xu hướng này dự kiến sẽ tăng vọt hơn nữa và đây là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường bất động sản Việt Nam thông qua việc mua lại các dự án từ doanh nghiệp trong nước.
Hay như quỹ tín thác đầu tư bất động sản Strategic Hospitality Extendable Freehold and Leasehold (SHREIT) của Thái Lan đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng khách sạn lớn nhất gồm IBIS Saigon South và Capri by Frasers tại TP. Hồ Chí Minh cho tập đoàn LT Rubicon có trụ sở tại Vương quốc Anh với giá khoảng 33 triệu USD vào tháng 06/2023.
Trong một thương vụ khác, Keppel Land đã ký các thỏa thuận ràng buộc để mua lại 49% cổ phần của tập đoàn Khang Điền trong hai dự án khu dân cư liền kề tại thành phố Thủ Đức với tổng giá trị là 136 triệu USD trong cùng tháng 6.
M&A bất động sản tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong giai đoạn 2023 – 2024
Bất chấp giai đoạn tạm thời suy thoái, tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư nước ngoài. Thị trường chứng kiến hoạt động M&A sôi động với nhiều thương vụ lớn trong thời gian gần đây, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Theo Real Capital Analytics, tổng khối lượng các thương vụ M&A bất động sản được công bố chính thức tại Việt Nam đạt hơn 1,5 tỷ USD vào năm 2022, cao nhất kể từ năm 2018. Giá trị giao dịch đạt hơn 500 triệu USD trong nửa đầu năm 2023, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi Covid-19 diễn ra. Dự báo, càng về sau, mức độ quan tâm càng tăng dần, nhất là các dự án hoàn thiện thủ tục pháp lý thì luôn trở thành mục tiêu săn lùng của nhà đầu tư.
Theo Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (HoREA), các vướng mắc về mặt pháp lý chiếm tới 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. Do đó, trong vài năm qua, đây là rào cản lớn nhất khiến số lượng các thương vụ M&A không tương xứng với tiềm năng thị trường.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam nhận định: “Tôi hy vọng từ bây giờ tới năm 2024, thị trường M&A sẽ sôi động trở lại. Thành quả này sẽ sớm đạt được khi các yếu tố pháp lý được tháo gỡ, đặc biệt là sau khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi chính thức được thông qua trong thời gian tới. Bản thân các nhà đầu tư ngoại cũng đang chờ đợi sự thay đổi của các bộ luật này”.
Theo ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đang cho thấy còn nhiều cơ hội hứa hẹn. Đặc biệt, vị chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang từng bước “thay da, đổi thịt” nhờ các quy định của Nghị quyết số 33/NQ-CP, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP, Nghị định 08/2023/NĐ-CP… của Chính phủ. “Tác động tích cực từ các chính sách sẽ góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của thị trường bất động sản trong dài hạn. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư ngoại”
Trong thời gian tới, JLL kỳ vọng sẽ chứng kiến nhiều giao dịch thành công hơn được công bố do hạn chế tài chính của các chủ đầu tư Việt Nam vẫn còn tiếp tục. Do Việt Nam đang trong quá trình cải cách pháp lý với Luật đất đai và Luật nhà ở được sửa đổi và có hiệu lực vào năm 2024, trong bối cảnh những khó khăn kinh tế toàn cầu vẫn còn kéo dài, thì tình hình thắt chặt tài chính của các nhà phát triển địa phương khó có thể được cải thiện nhanh chóng.
Do đó, các nhà đầu tư tiềm năng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi có nhiều chủ đầu tư muốn chuyển nhượng bất động sản hơn. Với nền tảng thị trường vững chắc cho sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài sẽ tìm thấy những phương án khả thi cho kế hoạch mở rộng của họ tại Việt Nam.