Người giàu đều buôn đất, buôn đất lâu năm đều giàu: “Tưởng vậy mà không phải vậy”

Một sự thật khá phũ phàng mà không ai có thể phủ nhận đó là 99% người giàu đều từ kinh doanh mới buôn đất và chỉ có 1% là kiếm tiền từ buôn đất rồi mới đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Nhiều người cho rằng ai giàu cũng đều buôn đất và buôn đất lâu năm ắt sẽ giàu. Do đó, họ thi nhau đầu tư buôn đất, mua nhà với giấc mơ đổi đời. Thực tế cho thấy quan điểm này có chút sai lầm. Bởi lẽ 99% người giàu từ kinh doanh mới đi buôn đất và chỉ có 1% kiếm tiền từ buôn đất mới đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đọc quy hoạch phát triển trước khi “ôm” đất

Tiền ở đâu để mua bất động sản? Chị H., một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết hầu như dân tay ngang đều không khỏi băn khoăn về câu hỏi này. Thực tế khá phũ phàng và không phải tất cả đều may mắn thuộc 10% còn lại được thừa kế tài sản từ ông bà hay bố mẹ.

Thông thường, miếng đất hay ngôi nhà đầu tiên vẫn hay được mọi người mua bằng sự gom góp từ tất cả các nguồn tiền của bản thân. Nếu trường hợp không đủ, sẽ vay mượn ngân hàng hay người thân để sau đó “cày” trả nợ.

Chỉ có 1% kiếm tiền từ buôn đất mới đầu tư sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh họa)  
Chỉ có 1% kiếm tiền từ buôn đất mới đầu tư sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh họa)  

Chính chị H. cũng đã từng mua một căn chung cư đầu tiên khi ở tuổi 30. Chị đã chọn mua căn hộ 100 m2 ở nội thành Hà Nội để tiện đi lại, thay vì mua một mảnh đất 100 m2 ở Tây Mỗ, Đại Mỗ (vùng ven Hà Nội). Sau đó 10 năm, nếu bán đi căn chung cư cũ và trở lại đất nền thì chỉ mua được chừng 25-30 m2, chưa tính chi phí xây nhà.

Bởi vậy, chị H rất muốn tìm cách thức đầu tư bất động sản hiệu quả. Trong khi mọi người chọn mua đất tại các thành phố lớn, chị đi tìm và đọc quy hoạch phát triển đến năm 2030 của các tỉnh trong những năm gần đây. Vì rất đam mê đi tìm các vùng đất sơ khai, nơi người dân còn nghèo, còn giá đất còn rẻ, nhưng đã quy hoạch về khu công nghiệp, giao thông, du lịch nên chị H. đã đầu tư vào các lô đất ở khắp các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Sơn La…

Chị H. chia sẻ rằng chị mua được những lô đất ở Hòa Bình chỉ chừng hơn 100.000 đồng/m2 - chỉ bằng giá một vài tô phở vào giữa năm 2021, khi mà dịch bệnh vẫn đang hoành hành. Chị cho hay khi chọn đúng thì ta có thể biến số vốn 500 triệu đồng thành 2 tỷ đồng sau 1-2 năm và quay trở lại mua một ngôi nhà để ở.

Vào cuối năm 2020, chị muốn ở nhà mới nên mang gần 6 tỷ đồng để đi xem một căn chung cư 110 m2. Tuy nhiên, sau khi đến xem 5 căn cho thuê với mức giá 17 triệu đồng/ tháng, nên chị đã tính thử với 6 tỷ đồng khi gửi ngân hàng sẽ lãi gần 30 triệu đồng/ tháng, trong khi mua chung cư tại Hà Nội lại mất giá. Sau đó, chị đã bỏ ra thêm 2,5 tỷ đồng và xuống phía Tây của Thủ đô mua một căn biệt thự ở khu đô thị.

Chị H. cho rằng chung cư Hà Nội mất giá nên đã chuyển sang mua biệt thự ở phía Tây Thủ đô. (Ảnh minh họa)  
Chị H. cho rằng chung cư Hà Nội mất giá nên đã chuyển sang mua biệt thự ở phía Tây Thủ đô. (Ảnh minh họa)  

18 tháng sau đó, căn biệt thự đã tăng giá thêm hơn 10 tỷ đồng, còn căn chung cư cao cấp chị thuê sống thử một năm thì chủ nhà rao bán lãi đúng 100 triệu đồng và tiền lãi thuê. Còn một vấn đề khác là chị nhận thấy không hoàn toàn thích khu căn hộ cao cấp đó khi thuê nhà sống thử ở đây.

Chị cho biết tiền ít hay nhỏ đều có cơ hội để làm giàu từ bất động sản nếu biết cách. Cơ hội để người chưa giàu và người giàu kiếm tiền là như nhau. Theo chị, tiền bạc tới từ sự chăm chỉ làm lụng kiếm ăn, tiết kiệm hợp lý và tạo nhiều nguồn thu nhập. Đó là điều mà bất kỳ ai cũng có thể làm được, tuy nhiên số người kiên trì thực tế lại rất hiếm.

Chốt lời từ tiền ảo, chứng khoán và đổ vào bất động sản

Là một môi giới bất động sản lâu năm nhưng anh T. (Hà Nội) bước chân vào đầu tư đất khá muộn. Anh cho hay đã mua lô đất đầu tiên 50 m2 năm 2017 với giá 1,9 tỷ đồng ở Mậu Lương (Hà Đông, Hà Nội). Vì đã làm môi giới nhiều năm nên anh xem xét xong cũng quyết định khá nhanh, chỉ mất 1 buổi sáng. Anh T. cho biết, lô đất này là đất đấu giá nên vị trí, quy hoạch và pháp lý đều rõ ràng, phù hợp nên anh mới chốt nhanh như vậy.

Anh T. đã dùng số tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng và tiền đầu tư chứng khoán để mua được lô đất nền. Theo anh, đó là kênh đầu tư yêu thích của bản thân và nếu có lãi sẽ đổ vào đất. Sau khi sở hữu lô đất đầu tiên, anh đã liên tiếp sở hữu nhiều lô khác tại các tỉnh phía Bắc nhờ nguồn tiền từ đầu tư chứng khoán. Vào đầu năm 2021 khi giá tăng bình quân 50-100%, anh T. đã bán bớt hàng và tái cơ cấu sản phẩm bất động sản. Anh hiện chỉ giữa những lô đất tiềm năng trong dài hạn.

Ông Phạm Đức Toản, nhà sáng lập EZ Property từng chia sẻ, những cá nhân giàu lên nhờ buôn đất đều là những người nhanh nhạy, giỏi, dũng cảm và cần thêm một chút may mắn. Tuy vậy, ông nhận định rằng, đa số mọi người có “ác cảm” về những người đầu cơ, buôn đất và xem hoạt động đó chỉ là bỏ tiền ra mua rồi chờ giá cao thì bán. Thậm chí, còn có những từ ngữ miệt thị như thổi giá, thủ phạm làm lũng đoạn thị trường…

Ông Toản cho hay, làm kinh doanh thì đều phải tuân theo nguyên tắc cơ bản và chỉ thành công khi được pháp luật, thị trường chấp nhận. Có một số cá biệt dùng những chiêu trò để kinh doanh kiếm lời từ bất động sản, tuy không thể “vơ đũa cả nắm” cho số đông làm ăn tử tế trong ngành này.

Những cá nhân giàu lên nhờ buôn đất đều là những người nhanh nhạy, giỏi, dũng cảm. (Ảnh minh họa)  
Những cá nhân giàu lên nhờ buôn đất đều là những người nhanh nhạy, giỏi, dũng cảm. (Ảnh minh họa)  

Ở một mặt khác, nhìn vào thực tế, ruộng vườn tại các làng quê hiện nay được quây kín thép gai, chia lô để bán. Nông dân chán nản với việc trồng trọt vì mùa được, mùa mất. Mặt khác, khi giá đất tăng, họ chỉ cần bán đi 1 mảnh là có thể xây được nhà, mua được xe, tuy nhiên không ai nghĩ tới việc mua con trâu, con bò hay kinh doanh sản xuất thứ gì đó.

Tại Việt Nam, giá đất thường có xu hướng tăng theo thời gian. Đối với nền kinh tế, việc người dân bỏ tiền vào nhà đất gấp nhiều 3-4 lần đầu tư sản xuất kinh doanh là diễn biến bất lợi. Một quốc gia chỉ tích trữ tiền vào nhà đất thì không có tiền để sản xuất kinh doanh. Vậy liệu con số 1% người giàu từ đất đem tiền đầu tư vào sản xuất kia có lại được với 99% còn lại đang “chôn” tiền vào đất không?

Hơn nữa, còn chưa kể đến việc hầu hết nhà đầu tư ôm đầu kêu khó vì “chôn vốn” trong bối cảnh thị trường chững lại như lúc này. Vậy mới có thể thấy để tiền luôn “chạy” thì tiền mới “đẻ” ra tiền./.

Thiên Bình

Theo Kinh doanh và Phát triển