Nhìn lại những sự kiện bất động sản ấn tượng tại Hà Nội năm 2023
Khởi công xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, chủ trương thành lập quận Đông Anh... là những sự kiện bất động sản nổi bật của Hà Nội trong năm 2023.
Khởi công xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội
Sáng 25/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chiều dài hơn 112 km đi qua Thủ đô Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công kết hợp hình thức đối tác công - tư (PPP).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Theo lộ trình 5 năm làm "siêu dự án" vành đai 4 (2022-2027), Hà Nội đang đi những bước đầu tiên ở khâu GPMB, cắm mốc chỉ giới đỏ. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương khởi động cho một siêu dự án liên kết vùng. Bên cạnh những tính toán tập trung vào đường sá, Hà Nội cần có quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị xung quanh dự án vì "đường chạy đến đâu, nhà sẽ mọc theo đến đó".
Quyết nghị chủ trương thành lập quận Đông Anh
Tại kỳ họp thứ 12, HĐND Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh.
Nghị quyết quyết nghị thành lập quận Đông Anh, TP. Hà Nội và 24 phường trên cơ sở nguyên trạng 185,68km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 437.308 người của huyện Đông Anh hiện có. Tờ trình của UBND TP. Hà Nội được Giám đốc Sở Nội Vụ Trần Đình Cảnh trình bày nhấn mạnh đến sự cần thiết thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận.
Cụ thể, huyện Đông Anh là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên 185.08km2, quy mô dân số đạt hơn 400.000 người, có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc; nơi tập trung nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đông Anh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định xây dựng Đông Anh thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính thương mại và giao dịch quốc tế phía Bắc sông Hồng, đóng vai trò là động lực phát triển ở phía Bắc của Thủ đô.
Khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
Sáng ngày 30/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 do UBND TP. Hà Nội tổ chức. Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tướng Chính phủ đánh giá đây là công trình đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng.
Cầu Vĩnh Tuy 2 được khởi công từ tháng 1/2021, có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, nằm song song với cầu Vĩnh Tuy 1. Sau khi khánh thành, cầu Vĩnh Tuy 2 được kỳ vọng sẽ giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy 1, cầu Thanh Trì, cầu Chương Dương, đồng thời khép kín đường Vành đai 2 theo quy hoạch.
Theo phương án tổ chức giao thông, sau khi thông cầu Vĩnh Tuy 2, toàn bộ xe đi từ các đường dẫn nội thành lên cầu sẽ đi ở cầu mới; cầu cũ sẽ dành toàn bộ cho xe đi từ phía Long Biên sang nội thành.
Với việc hoàn thành giai đoạn 2, Cầu Vĩnh Tuy góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố; giải quyết áp lực cho các tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội theo quy hoạch.
Dự kiến xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong đó có nội dung đầu tư xây dựng sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa.
Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.
Kết nối phát triển sân bay phía Nam với đô thị Phú Xuyên được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, để hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng), đường bộ (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ - Tây Bắc, Quốc lộ 1, trục phía Nam), trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía Bắc, đô thị cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội.
Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 700/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Đáng chú ý, Quyết định đề ra việc nghiên cứu các giải pháp quy hoạch phát triển các khu vực cụ thể như: Trục không gian sông Hồng, không gian phát triển đô thị hai bên đường Vành đai 4, mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô, mô hình phát triển TOD (Transit Oriented Development) tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng, phương án bố trí sân bay quốc tế thứ 2 của vùng Thủ đô tại Hà Nội.
Quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa..