Qua thời "sốt nóng", khó khăn đang "bủa vây" môi giới bất động sản
Qua cái thời “sốt nóng” của thị trường bất động sản, hàng loạt môi giới (chủ yếu là thế hệ F0 tham gia vào thị trường khi thị trường sôi động) phải chật vật tìm kiếm khách hàng. Cũng không ít môi giới lâm vào cảnh thất nghiệp khi các doanh nghiệp địa ốc đồng loạt cắt giảm nhân sự.
Môi giới “vỡ mộng” lướt sóng kiếm lời nhanh
Giai đoạn 2021-2022 thị trường bất động sản liên tục sốt nóng, người người nhà nhà kéo nhau đi làm “cò đất”, lượng môi giới bất động sản (F0) cứ thế tăng lên với chung mục đích là “lướt sóng” kiếm lời nhanh.
Mặc dù thực tế, không ít người kiếm tiền tỷ khi làm môi giới thời “sốt đất” nhưng cũng rất nhiều môi giới rơi vào cảnh “khóc ròng” khi thị trường đột ngột rơi vào trầm lắng. Để đến bây giờ, hầu hết các môi giới đều trong cảnh “mòn mỏi” chờ khách nhưng cũng không có ai tới thăm dự án, thăm đất,...
Một môi giới bất động sản tại Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, , đầu năm 2021, thấy thị trường nhà đất “sốt nóng”, anh quyết định chuyển từ công việc bán ô tô sang làm môi giới bất động sản. Với lợi thế từ kinh nghiệm bán hàng và quan hệ sẵn có từ công việc trước, anh đã môi giới thành công giao dịch đầu tiên trong tháng đầu làm việc.
Khi xác định làm nghề môi giới bất động sản, anh đã tìm tới công ty môi giới chuyên bán bất động sản đắt tiền vì nghĩ đơn giản là bán hàng giá trị cao thì tiền hoa hồng sẽ nhiều. Thực tế là sau khi số lượng giao dịch thành công tăng lên thì anh không còn quan tâm tới hoa hồng từ việc môi giới mà bị cuốn vào sự sôi động của thị trường, trở thành một nhà đầu tư chuyên “lướt sóng”.
“Tôi vừa môi giới, vừa làm nhà đầu tư. Bất động sản tôi tham gia "lướt sóng" là các căn liền kề có giá trị cao 7-15 tỷ đồng/căn tại một số khu đô thị có chủ đầu tư uy tín. Để có tiền nộp đợt đầu, tôi mang cả tài sản đang có đi vay thế chấp và vay mượn thêm mọi người, môi giới này chia sẻ.
Không chỉ đối mặt với cảnh “mòn mỏi” chờ khách, nhiều môi giới còn rơi vào cảnh thất nghiệp khi hàng loạt các doanh nghiệp môi giới bất động sản đồng loạt xa thải nhân viên để giảm gánh nặng về tài chính.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, kể từ khi thị trường rơi vào trầm lắng, doanh nghiệp môi giới hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên...
Do đó, để có thể gắn bó với nghề, bản thân các môi giới cần thay đổi theo nhu cầu của thị trường, nâng cấp bản thân. Hơn nữa, Luật kinh doanh bất động sản mới sẽ siết chặt hơn việc quản lý với hoạt động môi giới. Cụ thể, dự thảo quy định chặt chẽ hơn không cho môi giới hoạt động tự do mà phải dưới sự giám sát của sàn giao dịch. Luật hướng đến làm sao quản lý được. Trước đây cơ quan nhà nước quản lý lỏng lẻo, môi giới cấp chứng chỉ xong nhưng người được cấp đi đâu làm gì không báo cáo ai, không ai giám sát.
“Cho nên, hiện nay vai trò môi giới nâng lên tầm cao hơn chứ không chỉ tư vấn bán hàng, muốn làm được phải đào tạo. Nghề môi giới cũng giống như luật sư phải có học hành, thi cử”, ông Đính thông tin thêm.
Môi giới đồng loạt chuyển nghề
Theo số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường trầm lắng hiện nay đã ghi nhận sự gia tăng số lượng môi giới bất động sản nghỉ việc. Ước tính, số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Cá biệt, tại một số khu vực, số lượng môi giới bất động sản tiếp tục nghỉ việc lên tới 80%.
Phần lớn môi giới bất động sản nghỉ việc đều thuộc nhóm “lính mới” hoặc tay ngang, điển hình là nhóm bắt sóng các đợt sốt ảo, quá “phấn khích” và duy trì song song hai trạng thái tay ngang vừa là "nhà đầu tư" vừa là môi giới.
Hầu hết sàn giao dịch mới thành lập trong vòng 2 năm trở lại đây đều đóng cửa. Theo thống kê từ các sàn là hội viên của VARS, trong quý I, 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, có khu vực con số này lên tới 80%.
Chính những khó khăn đã kéo theo việc nhiều môi giới bất động sản đều phải tìm nghề khác kiếm sống. Người thì chuyển sang kinh doanh bảo hiểm để mưu sinh. Người thì chuyển nghề kinh doanh quần áo, bán hoa quả online sau thời gian chật vật với nghề mua bán đất.
Ông Phạm Lâm - CEO DKRA Group cho rằng nhân sự môi giới bất động sản vẫn biến động hàng năm, giảm trong mùa thấp điểm, tăng trong mùa cao điểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trầm lắng kéo dài thì quá trình thanh lọc nhân sự diễn ra mạnh mẽ. Thị trường đi xuống là thách thức đối với các đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.