Thái Bình đặt mục tiêu khủng, tăng 2 triệu m2 cho nhà ở xã hội

Đến năm 2030, Thái Bình sẽ có thêm 31.300 căn nhà ở xã hội.

 

Thái Bình đặt mục tiêu khủng, tăng 2 triệu m2 cho nhà ở xã hội - Ảnh 1

Mục tiêu này được đưa ra trong Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2030 vừa được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt.

Tại khu vực đô thị, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình) sẽ tuân thủ theo định hướng phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2023 tầm nhìn đến năm 2050; phát triển nhà ở theo dự án tập trung tại các khu vực đô thị lớn của tỉnh; phát triển nhà ở có quy mô, cơ cấu, giá cả đa dạng; phát triên nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh; quy hoạch, định hướng phát triển nhà ở theo mô hình khu dân cư đô thị tập trung; tránh tình trạng nhà ở và không gian đô thị phân tán, phát triên bám dọc theo các trục giao thông như tỉnh lộ, huyện lộ.

Tại khu vực nông thôn, Chương trình sẽ phát triển nhà ở gắn với mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; phát triển nhà ở theo mô hình khu dân cư tập trung, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; một số mô hình thí điểm khu dân cư mới tập trung kiểu mẫu, gắn với không gian đô thị; kết hợp giữa xây mới và cải tạo, tập trung ưu tiên việc cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở.

Chương trình cũng đề ra mục tiêu cụ thể trong phát triển nhà ở. Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị là 37,2m2 sàn/người, khu vực nông thôn là 27m2 sàn/người; đến năm 2030 tăng lên lần lượt là 39m2 sàn/người và 32,3m2 sàn/người. Về chất lượng nhà ở, chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025 nhà ở kiên cố đạt 99%, không có nhà ở đơn sơ; đến năm 2030 nhà ở kiên cố đạt 99,5%, không còn nhà ở đơn sơ. Nhà ở mới phải bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn gắn với các dự án phát triển đô thị, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng số, thiết kế mở rộng không gian tiện nghi chức năng của căn nhà theo hướng phát triển không gian xanh, bền vững, phát thải thấp.

Trên cơ sở dự báo tổng diện tích nhà ở, diện tích nhà ở tăng thêm qua các giai đoạn, tình hình triển khai các dự án phát triển nhà ở, thực trạng phát triển nhà ở của người dân tự xây, thực trạng hộ gia đình chính sách cần hỗ trợ về nhà ở, chương trình đề ra mục tiêu giai đoạn 2026 – 2030 số căn nhà ở thương mại tăng thêm 38.385 căn, diện tích tăng thêm 7,6 triệu m2; tăng thêm 31.300 căn nhà ở xã hội, diện tích tăng thêm hơn 2 triệu m2; tăng thêm 5.279 căn nhà ở cho người có công, diện tích tăng thêm 158.370m2; nhà ở cho hộ nghèo tăng thêm 6.176 căn, diện tích tăng thêm 185.280m2; nhà ở cho hộ cận nghèo tăng thêm 3.867m2, diện tích tăng thêm 116.010m2…

Căn cứ nhu cầu diện tích tăng thêm của các loại nhà ở và suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở, dự kiến nguồn vốn để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 là 99.826 tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030 là 124.962 tỷ đồng.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, Chương trình đề ra một số giải pháp về hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và cải cách hành chính; quy hoạch kiến trúc xây dựng, phát triển quỹ đất, nâng cao năng lực phát triển nhà ở theo dự án; nguồn vốn và thuế; phát triển lành mạnh thị trường bất động sản nhà ở; phát triển nhà ở cho các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội; khoa học công nghệ, tuyên truyền, vận động…

Phương Uyên

Theo Chất lượng và cuộc sống