Thị trường bất động sản năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn

Bước vào giai đoạn cuối năm 2023, thị trường BĐS vẫn đối diện với nhiều thách thức, khi cả nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ tiếp tục giảm sâu so với năm 2022 (giảm khoảng 66%). Sang năm 2024, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên, ở góc độ đánh giá lạc quan, thị trường 2024 sẽ là năm để thị trường tạo bước chuyển mình cho một chu kỳ hồi phục phát triển mới.

Trong năm 2023, thị trường bất động sản đã trải qua nhiều khó khăn, tình trạng này chưa thể chấm dứt được ngay mà được dự báo sẽ tiếp diễn ít nhất đến quý 2/2024 khi nguồn cung và thanh khoản chưa có sự tăng trưởng đột biến.

Từ đầu quý 4/2023, thị trường đã bắt đầu xuất hiện nhiều nhà đầu tư xuống tiền để "bắt đáy" cùng với việc ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, xu hướng giảm sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới đã tạo thêm động lực cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, bước sang năm 2024, thị tường bất động sản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: sức cầu yếu; những rủi ro liên quan đến tỷ giá, chứng khoán sẽ chịu nhiều sức ép hơn trước đây; đầu tư công có sự tăng trưởng tốt nhưng chưa thể tạo đột phá; Về nguồn vốn thì doanh nghiệp vẫn sẽ khó khăn do thị trái phiếu phục hồi chậm; Cùng với đó là vấn đề liên quan đến pháp lý khi quá trình cải cách chính sách còn chậm so với nhu cầu phát triển thực tế.

Thị trường bất động sản năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn - Ảnh 1
 

Còn theo phân tích của TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2024, nguồn cầu, nhu cầu thực về nhà ở để an cư vẫn luôn hiện hữu rất nhiều. Do đó, khi thị trường đáp ứng được nguồn hàng phù hợp thì người dân vẫn sẽ mua.

Đặc biệt ở phân khúc chung cư, đây vẫn là dòng sản phẩm được ưa chuộng hơn cả. Lý do bởi với tầm giá khoảng 3 tỷ đồng/căn, phân khúc này vẫn dễ mua bán hơn so với nhà riêng, nhà phố hay các sản phẩm cao cấp giá hơn chục tỷ đồng/căn.

Tuy nhiên, nhìn về nguồn cung, ông Đính khẳng định năm 2024 sẽ không có nhiều sản phẩm ra mắt thị trường do dự án của các chủ đầu tư vẫn chưa thể giải quyết tận gốc các vướng mắc. Cuối tháng 11, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua, song vẫn còn Luật Đất đai chưa được phê duyệt.

Chưa kể với hai luật vừa thông qua, phải đợi tới đầu năm 2025 mới có hiệu lực thi hành. Điều này có nghĩa trong cả năm tới, những chính sách mới chưa được mang vào áp dụng để tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án đang nằm đợi cơ chế. Từ đây, kéo theo nguồn cung năm sau chưa thể được cải thiện, thị trường tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn.

Ngoài ra, thị trường còn chịu tác động từ khủng hoảng, suy thoái chung của thế giới, điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Vì vậy, chúng ta vẫn cần thêm nhiều chính sách vĩ mô hơn nữa để điều tiết. Chính sách tiền tệ nhiều khả năng tiếp tục được Nhà nước thắt chặt, do đó dòng tiền trên thị trường là không nhiều, bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn.

Để thoát khỏi tình cảnh này, các chủ đầu tư buộc phải tự cứu mình bằng cách tái cấu trúc sản phẩm nhằm gia tăng thanh khoản, bán được hàng. Phải điều chỉnh thay vì chú trọng vào sản phẩm cao cấp, hạng sang thì chuyển sang tập trung vào phân khúc bình dân, trung, thấp cấp, khi đó mới có thể tiêu thụ nhanh chóng. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ áp dụng với những dự án đang tồn tại.

Còn với những dự án mới, Chính phủ vẫn tiếp tục thúc đẩy tháo gỡ, ông Đính cho rằng, tốc độ đẩy hàng sẽ chậm chứ không ồ ạt vì tâm lý cẩn trọng, tránh sai phạm. Nhiều khả năng lượng giao dịch có thể tốt hơn năm 2023. Song, mức độ tăng trưởng chỉ nhích nhẹ chứ không đột biến.

Dù vậy, thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay lại có nhiều cơ hội hơn thách thức. Lý giải về nhận định này, TS. Cấn Văn Lực cho hay "Đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang phục hồi. Kể từ quý 3/2023, số giao dịch thành công đã đạt hơn 5.000 cùng 300 dự án mở bán. Điều này cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư và lượng giao dịch bất động sản đang quay trở lại".

Vượt qua khó khăn, thị trường bất động sản "thoát đáy" cũng là nỗ lực và mong đợi của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư... Thông tin về hàng trăm dự án bất động sản được tháo gỡ, tái khởi động trở lại đã giúp thị trường tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, góp phần tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia. Mặc dù vẫn trong giai đoạn phải "vượt dốc" nhưng thị trường đã được tiếp thêm động lực để tăng trưởng./.

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển