Thị trường nhà đất phía Nam đón nhà đầu tư quay trở lại, giao dịch thực khu vực đang này ở mức nào?
Thị trường BĐS phía Nam đang có xu hướng ấm dần lên khi nhà đầu tư rục rịch trở lại tìm kiếm thông tin nhà đất nhưng giao dịch thực chưa nhiều.
Việc mở cửa trở lại nền kinh kế nói chung đang giúp thị trường BĐS nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài trầm lắng. Nhiều sàn môi giới, chủ đầu tư đã tất bật trở lại với các hoạt động mua bán, dẫn khách đi xem nhà, đất, tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, tái khởi động dự án sau khoảng thời gian dài im ắng. Tuy nhiên phần lớn hoạt động chỉ dừng lại ở mức thăm dò, lượng khách hàng chốt xuống tiền mua BĐS vẫn còn rất hạn chế.
Chia sẻ về tình hình mua bán BĐS thời điểm sau giãn cách, anh Lê Hồng Phong, một môi giới BĐS tại TP Hồ Chí Minh cho hay, khi các tỉnh bắt đầu cho di chuyển trở lại, công ty anh đã tổ chức nhiều đợt dẫn khách hàng đi thăm dự án, xem đất. Sau thời gian dài phải “nằm nhà”, hầu hết khách hàng đều hào hứng tham gia các buổi thực tế sản phẩm. Tuy nhiên mọi thứ chỉ dừng lại ở đó, việc xuống cọc hợp đồng hay tiến hành mua bán rất hạn chế, thậm chí nhiều khi không có. “Nhà đầu tư vẫn còn rất dè dặt với chuyện mua đất lúc này. Đa phần họ chỉ muốn tìm hiểu thông tin, xem dự án chứ chưa xuống tiền. Tâm lý thận trọng của khách hàng lúc này cũng dễ hiểu bởi dịch chưa hết hoàn toàn, nhất là khi kỳ nghỉ tết nguyên đán sắp đến”, anh Phong chia sẻ.
Anh Phong cho hay, lường trước tâm lý thận trọng của người mua, công ty anh tổ chức dẫn khách thăm quan dự án chủ yếu hướng đến mục đích chính là giới thiệu sản phẩm, duy trì liên hệ và tiếp cận khách hàng, không quá đặt nặng việc phải có giao dịch ngay lúc này.
Ở góc độ người mua, chị Đỗ Ngọc Lan, một khách hàng tại quận 11, TP Hồ Chí Minh cho biết, chị cũng muốn quay lại xem thị trường hiện tại ra sao, tìm hiểu tình hình đất đai và xem có sản phẩm nào ứng ý để mua vào. “Lúc này mình chưa dám chắc tình hình dịch bệnh sẽ chuyển biến ra sao nên phải phòng thủ dòng tiền, không thể vội vàng quay lại đầu tư. Tình hình dịch ở TP.HCM ổn định nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao, nhưng các thị trường tỉnh thì không nói trước được, nhất là khi vaccine vẫn còn khan hiếm như hiện nay”. Tuy nhiên nhà đầu tư này lại không ấu diếm ý định đổ tiền vào chứng khoán vì thị trường này đang lên.
Chia sẻ về thực trạng giao dịch nhà đất trong tháng 10 vừa qua, lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS đang chào bán dự án tại Xuyên Mộc, Vũng Tàu cho biết, dù nhiều chủ đầu tư, sàn môi giới đang rất tích cực làm thị trường, tạo sức nóng nhưng giao dịch thực tế lại không có bao nhiêu. Người mua thực thì chưa dám xuống tiền ngay lúc này còn nhà đầu tư thì đắn đo cân nhắc nhiều khía cạnh. Phần nhiều vẫn là tâm lý bất an vì chưa thể đoán trước tình hình dịch bệnh chuyển biến ra sao. Vị này cũng cho hay, gần 2 tuần nay đã dẫn nhiều đoàn khách đi thực tế dự án nhưng số lượng chốt được cũng chỉ có vài sản phẩm.
Tương tự, tại thị trường Bình Dương, đại diện một doanh nghiệp tại Thuận An cho biết, sau khi mở cửa trở lại, công ty ông tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án hiện đang triển khai. Bên cạnh đó là hoàn tất các thủ tục mua bán còn đang dang dở, không đặt nặng vấn đề phải tăng lượng khách mua ngay lúc này. “Chúng tôi đã xác định sẽ còn khó khăn đến hết năm 2021 và có thể kéo dài qua quý 1/2022. Vậy nên mục tiêu ưu tiên hiện tại vẫn là cố gắng hoàn thiện các dự án dang dở để đảm bảo uy tín với khách hàng, duy trì nhận diện dự án qua các kênh giao dịch trực tuyến”, vị này cho hay.
Trước đó tại sự kiện công bố báo cáo thị trường BĐS quý 3/2021, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết, từ thời điểm tháng 9/2021, mức độ quan tâm BĐS của người dùng trên cả nước có dấu hiệu phục hồi trở lại. Xu hướng tìm mua nhà đất tăng trưởng gần 55% so với tháng trước đó. Cũng trong thời điểm này, TP Hồ Chí Minh ghi nhận mức độ quan tâm tăng 35% trong khi các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… cũng tăng hơn 30%.
Tuy nhiên ông Nguyễn Quốc Anh cũng nhấn mạnh, nhu cầu tìm kiếm BĐS gia tăng cho thấy nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm trở lại, thị trường đang ấm dần lên và tích cực hơn so với gian đoạn giãn cách. Nhưng để thị trường có thể phục hồi hoàn toàn như thời điểm tháng 4, TP Hồ Chí Minh còn cần một khoảng thời gian để thích ứng, và sớm nhất cũng phải là cuối tháng 11 hay đầu tháng 12/2021. Riêng với các tỉnh thành phía Nam, sự phục hồi sẽ chậm hơn, có thể phải đến cuối năm thậm chí là sang đầu năm 2022. Tất cả những kịch bản này chỉ diễn ra khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và không có đợt bùng phát mới.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định, dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào BĐS tăng nhanh, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất. Nhu cầu đầu tư vào BĐS trước khi dịch Covid-19 bùng phát chiếm đến 75%. Các tháng gần đây, do giãn cách xã hội nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào BĐS mà tập trung vào chứng khoán. Nhưng sau đó dòng tiền sẽ lại quay trở về với BĐS. Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, lại không am hiểu về chứng khoán sẽ có xu hướng rót vào BĐS, kênh đầu tư vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong dài hạn.