“Tiềm năng và rủi ro khi đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng thời điểm này”
Tại tọa đàm "Giải mã các kênh đầu tư hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay" diễn ra mới đây, nhiều nhà đầu tư tham gia đã bày tỏ quan ngại về việc đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong thời điểm này.
Pháp lý vẫn là vấn đề của bất động sản nghỉ dưỡng
Giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư, cũng như chỉ ra những tiềm năng và rủi ro khi đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân bây giờ rất lớn, các resort nhỏ là đã kém thu hút khách rồi. Trong khi những resort lớn với cảnh quan hoành tráng, cung cấp đầy đủ dịch vụ hấp dẫn và thu hút hơn hẳn.
Ông Hà cho rằng đã phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng thì cần phải tầm cỡ như Phú Quốc, với các dự án của Vingroup, Sun Group hay Novaland... Các dự án phải đủ lớn, phát triển đầy đủ cả khu vui chơi giải trí nữa mới thu hút được du khách, giá trị bất động sản mới lớn được. Nhà đầu tư sẽ kỳ vọng vừa có thể cho thuê, vừa có thể tăng giá trị bất động sản trong tương lai, đó mới là kỳ vọng thực sự của họ. Mà giá trị bất động sản chỉ có thể tăng ở các dự án sở hữu đầy đủ điều kiện để phát triển.
“Còn nói về rủi ro, chúng tôi cho rằng quan trọng nhất là tính pháp lý. Thỏa thuận hợp đồng giữa chủ đầu tư và người mua phải rõ ràng, hợp lý. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng nghiên cứu kỹ để tránh rủi ro trước khi xuống tiền”, ông Hà nhấ mạnh.
>> Xem thêm: Cần cho bất động sản nghỉ dưỡng một “danh phận” rõ ràng?
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, kinh tế tài chính, vấn đề thanh khoản của thị trường là vô cùng quan trọng. Mua nhưng chưa chắc ở lâu dài, đến khi muốn bán đi thì phải có thanh khoản, phải có người mua.
Nhiều người tự mình lọ mọ mua bán, đầu tư. Đó cũng là một cách tốt nhưng tôi vẫn cho rằng nên thông qua các công ty môi giới, tư vấn chuyên nghiệp. Chấp nhận mất đi một phần phí nhưng nó xứng đáng bởi họ tư vấn giúp chúng ta về pháp lý, thông tin, tìm hiểu về thị trường…
“Tôi muốn bổ sung thêm về vấn đề quy hoạch, các dự án bất động sản được quản lý bởi ai? Nếu được quản lý bởi những chủ đầu tư chuyên nghiệp, uy tín thì sẽ yên tâm hơn. Thời điểm hiện nay không nên dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều bởi lãi suất đang tăng. Thị trường lên xuống, nhiều lúc nhà đầu tư muốn bán để trả nợ nhưng chưa chắc đã bán được”, ông Lực nói thêm.
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn giàu tiềm năng đầu tư
Theo TS. Võ Trí Thành, nhiều nhà phát triển bất động sản hiện nay đang quan tâm và lựa chọn đầu tư vào bất động sản du lịch. Nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cũng tăng cao. Sống xanh, sống khỏe, sống nhân văn, cá tính trở thành xu hướng. Xu hướng đó rất phù hợp với cuộc cách mạng bất động sản hiện nay.
Không chỉ sau đại dịch Covid-19, nhu cầu liên quan đến chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng mới tăng cao mà còn do thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng cao lên, dẫn đến nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cũng mạnh theo.
“Xu hướng bất động sản nghỉ dưỡng là xu hướng mạnh, hấp dẫn. Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, như Bali chẳng hạn, cảnh đẹp không thể bằng Việt Nam nhưng khách du lịch phương Tây rất thích Bali. Đó là sự hấp dẫn của văn hóa truyền thống. Về văn hóa truyền thống, miền Trung rất có lợi thế. Hiện nay, trong quy hoạch, đôi khi ta hơi thiên quá về bất động sản du lịch, ví dụ như Đà Nẵng phát triển mạnh bất động sản du lịch đã làm chậm xây dựng Đà Nẵng như một khu đô thị đa năng. Nên phát triển Đà Nẵng không chỉ là nơi đáng đến mà còn là nơi đáng sống”, vị chuyên gia nói.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, bất động sản nhà ở bao giờ cũng là phân khúc hấp dẫn. Khi quá trình đô thị hóa đang tăng nhanh thì nhu cầu nhà ở cũng gia tăng rất cao. Chỉ đến khi đa số người dân đều sống ở đô thị thì phân khúc bất động sản nhà ở mới có thể đi ngang.
Còn bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất sau phân khúc nhà ở. Tuy nhiên, vị trí đẹp thuộc phân khúc này rất ít. Ngoài ra, bất động sản nghỉ dưỡng phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, như giao thông, thời tiết, hạ tầng, nhất là yếu tố thuận lợi về thời tiết để có thể kinh doanh 4 mùa. Xét theo đó, tôi nhìn thấy tiềm năng ở Phú Quốc hay từ miền Trung trở vào, là những nơi có thể kinh doanh 4 mùa.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, mặc dù nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý và những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong suốt hai năm vừa qua song đây là một thị trường đầy tiềm năng.
“Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay. Khách hàng hiện có nhiều lựa chọn để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt ở những vùng có tiềm năng du lịch”, ông Đính nói.
Tuy nhiên, ông Đính lưu ý rằng, một số nơi bất động sản du lịch đã phát triển ổn định, khai thác kinh doanh tốt thì mặt bằng giá tương đối cao, dư địa tăng giá không nhiều.
Trong khi đó, ở các khu vực đang phát triển như Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận,... mức giá vẫn còn khá thấp, tiềm năng tăng giá là rất lớn. Nếu đợi các thị trường này phát triển và đến khi pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng được hoàn thiện, khi đó, nhà đầu tư có thể sẽ không còn cơ hội.
>> Xem thêm: Chủ tịch BHS Nguyễn Thọ Tuyển: Nhu cầu về các sản phẩm “Homeliday” trên thị trường ngày càng lớn