Tin bất động sản hôm nay ngày 31/8: TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm hơn 2.000 căn nhà ở xã hội

TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm hơn 2.000 căn nhà ở xã hội; Thanh Hoá sẽ có thêm 2 đô thị hơn 6.000ha; Xem xét kiến nghị đầu tư sân bay Lai Châu theo hình thức PPP; Khởi công KCN Sơn Mỹ I với vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng; Đồng Nai quy định mới về tách thửa đất là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 31/8.

TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm hơn 2.000 căn nhà ở xã hội

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM vừa có công văn gửi UBND TP.HCM về việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội, cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn, dự kiến khởi động thổ trước ngày 2/9/2022.

Cụ thể, dự án thứ nhất là chung cư nhà ở xã hội thuộc khu nhà ở tại phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức do Công ty Cổ phần Bất động sản Dragon Village làm chủ đầu tư. Khu đất triển khai dự án có tổng diện tích gần 1,9 ha, cung ứng cho thị trường khu vực 764 căn nhà ở xã hội.

Hiện tại, dự án đã được Sở Xây dựng TP.HCM cấp giấy phép xây dựng đối với hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với chung cư nhà ở xã hội đang được thực hiện tại Bộ Xây dựng. Chủ đầu tư dự án đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở thấp tầng - nhà ở thương mại. Nhà ở xã hội này dự kiến sẽ được động thổ vào ngày 31/8/2022.

TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm hơn 2.000 căn nhà ở xã hội.  
TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm hơn 2.000 căn nhà ở xã hội.  

Công trình thứ hai là chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây, phường Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận, quận 7  do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn làm chủ đầu tư. Khu đất triển khai dự án rộng hơn 1,2 ha, cung ứng cho thị trường 1.300 căn nhà ở xã hội. 

Dự án hiện đang được thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với chung cư nhà ở xã hội tại Bộ Xây dựng. Dự án đã có hạ tầng kỹ thuật giao thông, trường tiểu học, các khối chung cư thương mại M2, HR1, HR2, HR3.

Bên cạnh đó, 2 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại TP.HCM cũng chuẩn bị được động thổ. Cụ thể gồm các dự án: Cải tạo, xây dựng lại chung cư số 350 Hoàng Văn Thụ (phường 4, quận Tân Bình) quy mô 374 căn hộ, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đức Khải Tân Bình.

Được biết, vào năm 2010, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án này. UBND quận Tân Bình chấp thuận đầu tư dự án vào các năm 2017, 2020. Quận Tân Bình hiện đã hoàn tất việc di dời các hộ dân trong dự án. Đồng thời, chủ đầu tư đang đề xuất giao đất để đủ điều kiện cấp phép xây dựng theo quy định.

Tiếp theo là dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư số 23 Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé, quận 1) quy mô 1.275m2, cung ứng 160 căn hộ. Dự án được đầu tư bởi Công ty Cổ phần địa ốc Downtown.

Năm 2019, dư án đã được UBND Quận 1 công nhận chủ đầu tư. Năm 2020 được chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình và chấp thuận đầu tư dự án. Chủ đầu tư hiện đang thực hiện thủ tục giao đất để đủ điều kiện cấp phép xây dựng theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đang chuẩn bị tổ chức lễ bàn giao nhà tái định cư cho người dân tại dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ số 100 đường Cô Giang (phường Cô Giang, Quận 1). Với tổng diện tích ơn 1.000m2, dự án được đầu tư bởi Công ty Cổ phần phát triển Đất Việt.

Thanh Hoá sẽ có thêm 2 đô thị hơn 6.000ha

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Cẩm Tân, huyện Cẩm Thuỷ đến năm 2045.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Cẩm Tân và xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thuỷ. Phía Bắc khu vực quy hoạch giáp các xã Cẩm ngọc và Cẩm Phú; phía Nam giáp các xã Vĩnh Quang và Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc; phía Đông giáp các xã Yên Lâm và Quý Lộc, huyện Yên Định; phía Tây giáp các xã Cẩm Yên và Cẩm Tân.

Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 2.9998,8ha. Trong đó, xã Cẩm Tân 1459,4ha; xã Cẩm Vân 1539.

Dân số hiện trạng năm 2021 khoảng 13.254 người (gồm xã Cẩm Tân 6.276 người; xã Cẩm Vân 6.978 người). Dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 16.500 người. Dự báo dân số đến năm 2045 khoảng 21.100 người.

Khu vực quy hoạch có tính chất là đô thị loại V, với chức năng là trung tâm kinh tế tiểu vùng phía Đông Nam của huyện Cẩm Thuỷ; phát triển đô thị gắn với dịch vụ thương mại, nông nghiệp hữu cơ và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề sản xuất nông lâm nghiệp. Có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam huyện Cẩm Thuỷ và khu vực lân cận.

Trước đó, tỉnh Thanh Hoá cũng vừa phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị Bồng, huyện Vĩnh Lộc đến năm 2045.

Khu vực lập quy hoạch chung bao gồm địa giới hành chính của xã Vĩnh Hùng và xã Minh Tân, với phía Bắc giáp xã Thành Long, huyện Thạch Thành; phía Nam giáp sông Mã; phía Đông giáp xã Vĩnh Thịnh và huyện Hà Trung; phía Tây giáp xã Vĩnh Hoà.

Tổng diện tích quy hoạch hơn 3.300ha. Trong đó xã Vĩnh Hùng 1.981,1ha, xã Minh Tân 1.356ha. Về cơ cấu sử dụng đất, đất xây dựng đô thị 999ha, đất khác 2.338,14ha.

Khu vực quy hoạch cũng có tính chất là đô thị loại V, đô thị trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Đông sông Bưởi vùng huyện Vĩnh Lộc. Dân số hiện trạng năm 2021 khoảng 15.441 người; dân số dự báo phát triển đến năm 2045 khoảng 31.900 người.

Xem xét kiến nghị đầu tư sân bay Lai Châu theo hình thức PPP

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị đầu tư sân bay Lai Châu theo hình thức đối tác công tư của UBND tỉnh Lai Châu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.

Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu.

Hình minh họa.  
Hình minh họa.  

Cụ thể, xét kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo phương thức đối tác công tư và giao UBND tỉnh Lai Châu làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.

Trước đó, UBND tỉnh Lai Châu đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu tại thị trấn Tân Uyên theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, cho phép tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.

Theo định hướng đến giai đoạn 2030, sân bay Lai Châu là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách/năm và diện tích sử dụng đất là 167 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỉ đồng.

Còn theo đề án điều chỉnh tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng, định hướng đến năm 2030, sân bay Lai Châu có công suất 500.000 hành khách/năm, diện tích đất dự kiến 117 ha, chi phí đầu tư theo quy hoạch ước khoảng 4.350 tỉ đồng.

Ngoài Lai Châu, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã giao Bộ Giao thông Vận tải xem xét việc đầu tư xây dựng CHK Nà Sản theo phương thức đối tác công tư theo kiến nghị trước đó của UBND tỉnh Sơn La.

Khởi công KCN Sơn Mỹ I với vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng

Vừa qua, tại tỉnh Bình Thuận, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công Nghiệp Sơn Mỹ (viết tắt là IPICO) đã tổ chức lễ khởi công Khu Công Nghiệp Sơn Mỹ I.

Lễ khởi công có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng đánh giá Bình Thuận là vùng đất "biển xanh, cát trắng, nắng vàng", với tiềm năng lớn, được thiên nhiên ưu đãi về năng lượng mặt trời, năng lượng gió, đây là nền tảng rất quan trọng, cần tận dụng tối đa để phát triển nền công nghiệp xanh, công nghiệp sạch.

"Do đó, KCN này, ngoài hình hài một số nhà máy điện khí mà nhà đầu tư đã đề cập, phải thu hút được các nhà đầu tư sản xuất các trang thiết bị phục vụ phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió", Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận, tư duy phát triển KCN Sơn Mỹ I.

Với tổng diện tích 1.070 ha, KCN Sơn Mỹ I không chỉ là một trong những KCN có quy mô lớn tại Việt Nam mà còn định hướng là KCN thông minh và thân thiện với môi trường đầu tiên tại Bình Thuận cũng như vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

KCN Sơn Mỹ I được quy hoạch với các chức năng: đất xí nghiệp, nhà máy; khu trung tâm dịch vụ; khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật; đất cây xanh và mặt nước. Trong đó, nổi bật là hai nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 được xây dựng trên diện tích ước tính 200 ha với tổng công suất 4.500 MW; Kho cảng khí LNG khoảng 100 ha, hơn 430 ha đất dành cho các nhà máy, xí nghiệp.

Ngoài ra, KCN Sơn Mỹ I sẽ có phân khu chuyên sản xuất các trang thiết bị phụ trợ phục vụ cho việc phát triển các ngành công nghiệp năng lượng xanh. Bên cạnh đó, KCN cũng dành hơn 30% diện tích đất cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực cây xanh, mặt nước cũng như văn phòng điều hành, các công trình tiện ích, dịch vụ phục vụ hoạt động KCN và đời sống của người lao động.

Vốn đầu tư cho KCN Sơn Mỹ I là 12.000 tỷ đồng. Dự án này được kỳ vọng khi chính thức đi vào hoạt động và khai thác sẽ trở thành tâm điểm phát triển kinh tế cho Tỉnh Bình Thuận cũng như các khu vực lân cận.

Đồng Nai quy định mới về tách thửa đất

UBND tỉnh Đồng Nai vừa đã ban hành Quyết định số 35 về tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh (Quyết định 35). Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2022.

Cụ thể, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhu cầu tách thửa đất phải đảm bảo các điều kiện phù hợp như đối với đất ở muốn tách thửa phải có 1 cạnh tiếp giáp với đường giao thông. Nếu tuyến đường có lộ giới từ 19m trở lên thì cạnh tiếp giáp đường tối thiểu là 5m.

Với những tuyến đường có lộ giới dưới 19m hoặc chưa quy định lộ giới thì cạnh thửa đất tiếp giáp đường giao thông từ 4m trở lên.

Đồng thời, đối với đất ở đô thị thì thửa đất sau khi tách phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 60m2 và 80m2 với đất ở nông thôn (diện tích tối thiểu thửa đất theo quy định không tính diện tích hành lang bảo vệ các công trình).

Trường hợp thửa đất thuộc khu vực đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng thì việc tách thửa phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng.

Đối với đất nông nghiệp ở đô thị thì diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách là 500m2, khu vực nông thôn là 2.000m2 (trước đây quy định là 1000m2).

Thửa đất nông nghiệp khi tách thửa phải tiếp giáp với đường giao thông hoặc phải đảm bảo lối đi cần thiết cho người sử dụng đất ở phía trong.

Quyết định này cũng quy định rõ việc tách thửa đối với thửa đất có nhiều loại đất, trường hợp cá biệt...

Như vậy, so với Quyết định số 22/2020 (ngày 08/6/2020) quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Quyết định số 35 chỉ có điểm mới là diện tích tối thiểu sau tách thửa đối với đất nông nghiệp nông thôn được tăng từ 1.000m2 lên 2.000m2.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống