Lại ‘nóng’ các cuộc đấu giá đất khu vực ven Hà Nội

Trong vài tháng qua, với việc chào đón lượng hàng lớn, đặc biệt là thời điểm những tháng cuối năm 2022 đã đẩy các cuộc đấu giá đất vùng ven Thủ đô Hà Nội trở nên cực kỳ sôi động. Nhiều lô đất được sang tay với giá cao hơn so với giá khởi điểm, thậm chí có những lô đất được trúng với mức giá 100 – 170 triệu đồng/m2.

Giá trúng cao nhất tại Đông Anh lên đến gần 170 triệu đồng/m2

Mới đây, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã tổ chức đấu giá  27 thửa đất với tổng diện tích hơn 3.364 m2. Các thửa đất có diện tích từ 115,26 m2 đến 227,89 m2  được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm dao động từ 58 triệu đồng/m2 đến 69 triệu đồng/m2 (tuỳ theo diện tích và vị trí), bước giá áp dụng tại tất cả các thửa đất là 500.000 đồng/m2.

Kết quả, giá trúng đấu giá cao nhất là 168,5 triệu đồng/m2 (gấp hơn 2 lần giá khởi điểm), giá trúng đấu giá thấp nhất là 78,5 triệu đồng/m2.Tổng giá trúng đấu giá thu về gần 409 tỷ đồng.

Trước đó, vào thời điểm giữa tháng 10, trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh cũng đã phối hợp với công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt tổ chức phiên đấu giá đối với 27 thửa đất tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú.

Theo đó, giá khởi điểm của các thửa đất từ 28,8 triệu đồng/m2 đến 33,7 triệu đồng/m2 tuỳ từng thửa đất. Tổng diện tích các thửa đất đưa ra đấu giá là gần 2.600m2, dao động từ 90 m2 đến 164,17 m2.

Phiên đấu giá thu hút được 98 nhà đầu tư với mức giá trúng cao nhất là 51,2 triệu đồng/m2; giá trúng đấu giá thấp nhất là 37,3 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá hơn 112 tỷ đồng, chênh lệch hơn 34 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Hay như sáng 8/10, có 27 thửa đất (đợt 1) với tổng diện tích hơn 2.571 m2 tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú cũng được đưa ra đấu giá để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm cho các thửa đất thấp nhất từ 28,8 triệu đồng/m2 đến cao nhất 33,7 triệu đồng/m2( tuỳ theo diện tích và vị trí).

Tham gia phiên đấu giá có 109 nhà đầu tư với mức giá trúng cao nhất là 56,7 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá thấp nhất là 35,2 triệu đồng/m2. Tổng giá trúng đấu giá thu về hơn 112 tỷ đồng. 

Giá đất Mê Linh cũng được đẩy lên gần 100 triệu đồng/m2

Còn nhớ thời điểm tháng 5 vừa qua, giới đầu tư Hà Nội xôn xao trước thông tin Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, tại huyện Mê Linh (Hà Nội) do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, bán hàng theo phương thức trả giá cạnh tranh.

Các sản phẩm mang đấu giá là 202 căn nhà thấp tầng xây thô hoàn thiện mặt ngoài hình thành trong tương lai gắn liền với quyền sử dụng đất ở đã có hạ tầng. Trong đó, 56 căn biệt thự đơn lập; 26 căn biệt thự song lập; 120 căn nhà vườn.

Chỉ trong ngày 2/6, có 202 căn nhà thấp tầng được mở bán theo hình thức trả giá, có 225 cá nhân/tổ chức tham gia, số tiền cọc từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.

Kết thúc buổi trả giá, nhiều lô đất được trả giá lên tới 45 triệu - 55 triệu/m2, mức giá trúng đấu giá chênh vài trăm triệu đến vài tỷ đồng so với giá khởi điểm. Đây được đánh giá là là mức giá “không tưởng” khi thị trường bất động sản Mê Linh những năm gần đây vốn trầm lắng và có không ít dự án khu đô thị bỏ hoang. Trong khi đó, một số quy hoạch và định hướng lên quận cũng phải rất lâu nữa mới thành hiện thực.

Chỉ sau đó một ngày, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 – Quốc gia tổ chức thành công phiên đấu giá đối với 17 thửa đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm.

Tổng diện tích khu đấu giá là 1.858,9 m2 (diện tích mỗi thửa từ 87,75 m2 đến 171,67 m2), giá khởi điểm từ 27,1 triệu đồng đến 35,2 triệu đồng/m2.

Kết quả, 17 lô đất đã được đấu giá thành công. Trong đó, lô 01 có diện tích 129,7m2 nằm ở vị trí lô góc có mức giá trúng cao nhất 85,5 triệu đồng/m2, tương đương gần 11,1 tỷ đồng. Lô đất 02 có diện tích 95,6m2, giá trúng là 75,5 triệu đồng/m2, tương đương hơn 7,2 tỷ đồng. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về hơn 98 tỷ đồng (chênh 39,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm).

Đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội diễn ra sôi động những tháng qua.  
Đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội diễn ra sôi động những tháng qua.  

Sau đó, vào thời điểm cuối tháng 7, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh đã phối hợp với Công ty đấu giá Hợp Danh đấu giá Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá đối với 33 lô đất tại điểm X1, Tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông.

Tổng diện tích các khu đấu giá là 3.412,7 m2 (diện tích thửa nhỏ nhất 67,4 m2; thửa có diện tích lớn nhất 193 m2), giá khởi điểm từ 32,1 triệu đồng đến 44,2 triệu đồng/m2.

Huyện Mê Linh cho biết, đây là khu đất "vàng" tiếp giáp với tuyến đường giao thông huyết mạch, gần Khu công nghiệp Quang Minh, gần trung tâm hành chính, trường học nên thu hút đông khách hàng tham gia đấu giá, cụ thể là 227 lượt.

Kết quả, cả 33 lô đất đã được đấu giá thành công. Trong đó, lô LK-B-01 có diện tích 160 m2 có mức giá trúng cao nhất 93 triệu đồng/m2, tương đương gần 15 tỷ đồng (hơn 93 triệu đồng/m2), chênh 8,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 01 lô góc ký hiệu LK-A-01 có diện tích 193m3, cũng được đấu thành công với mức trúng 87,2 triệu đồng/m2, tương đương 16,8 tỷ đồng, chênh 8,3 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Các lô còn lại thuộc băng 1 đường Chi Đông có giá trúng dao động từ 70 triệu đồng đén 75 triệu đồng/m2. Các lô băng 2 có giá trúng dao động từ 45 triệu đồng đến 62 triệu đồng/m2.

Lý giải nguyên nhân đấu giá đất ven Hà Nội diễn ra sôi động

Không chỉ tại Đông Anh hay Mê Linh, mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cũng vừa công khai việc mời tổ chức đấu giá tài sản, thực hiện phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với nhiều thửa đất tại xã Tam Hiệp, Võng Xuyên, Thọ Lộc.

Cụ thể là 7 thửa đất khu Gạc Chợ, xã Tam Hiệp, bao gồm các thửa ký hiệu từ L25 đến L29, L32, L33 có diện tích 839,5m2, giá khởi điểm 79,8 triệu đồng/m2; 5 thửa đất khu X1, xã Võng Xuyên, với thửa ĐG11, ĐG12, ĐG13 diện tích 323 m2, giá khởi điểm 36 triệu/m2, còn thửa ĐG10, ĐG14 diện tích 211,36 m2, giá khởi điểm 40,6 triệu/m2. Mục đích sử dụng của những thửa đất này là đất ở lâu dài, sử dụng riêng. Huyện Phúc Thọ kỳ vọng thu về hơn 87,2 tỷ đồng từ việc đấu giá 12 thửa đất tại xã Tam Hiệp và Võng Xuyên.

Ngoài ra còn 20 thửa đất tại TT8 khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc với các thửa ký hiệu TT8-1, TT8-11, TT8-12, TT8-20 diện tích 834,1m2, giá khởi điểm 19,1 triệu đồng/m2; các thửa từ TT8-2 đến TT8-10, từ TT8-13 đến TT8-19 diện tích 2.157,5m2, giá khởi điểm 17,5 triệu đồng/m2.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự sôi động của các cuộc đấu giá đất ven Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn cho biết, quy hoạch, chính sách và nguồn vốn là ba yếu tố tác động đến giá đất. Trong khi đó, khu vực phía Đông, đặc biệt là đô thị hai bên sông Hồng đã có quy hoạch rõ ràng. Việc triển khai quy hoạch tốt đồng bộ giúp giá đất tăng, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

Giá đất nhiều khu vực tăng cao nhờ ăn theo quy hoạch phân khu sông Hồng.  
Giá đất nhiều khu vực tăng cao nhờ ăn theo quy hoạch phân khu sông Hồng.  

"Ăn theo" thông tin quy hoạch và thông tin triển khai các dự án lớn, giá đất vùng ven Hà Nội nhiều lần được đẩy lên cao ‘chót vót’. Nhất là sau khi công bố quy hoạch phân khu sông Hồng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lấy dẫn chứng tại Đông Anh, nhiều dự án cỏ mọc um tùm, xung quanh quây hàng rào, không được đầu tư hạ tầng nhưng giá đất đã được đẩy lên hơn 100 triệu đồng/m2, đắt ngang với khu vực Mỹ Đình đã được đầu tư bài bản. 

“Rõ ràng, quy hoạch có tác động rất mạnh đến giá cả của thị trường bất động sản, ngay cả khi đang được nghiên cứu và chưa được công bố”, ông Đính nhấn mạnh.

Chuyên gia cho rằng, điều này sẽ tác động đến tính khả thi khi thực hiện quy hoạch. Đơn cử, nếu mặt bằng giá đất tại Đông Anh và Mê Linh tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt bởi lúc đó chi phí để đền bù giải phóng mặt bằng chắc chắn sẽ cao. Việc đất đai được mua đi bán lại nhiều lần sẽ rất khó cho chính sách đền bù giải phóng mặt bằng có thể thực hiện được. Khi đó, quy hoạch sẽ khó đi vào thực tiễn.

 

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống