5 nhóm ngành dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong 2021
5 nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2021 theo dự báo của FiinGroup bao gồm: Bất động sản nhà ở, khu công nghiệp, thủy sản - chăn nuôi, điện và thép.
Tại báo cáo công bố mới đây, FiinGroup dự báo 5 nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2021 bao gồm: Bất động sản nhà ở, khu công nghiệp, thủy sản - chăn nuôi, điện và thép.
Theo nhóm nghiên cứu FiinGroup, nhiều ngành phi tài chính xếp hạng "giảm tốc" trong năm 2020 sẽ có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong 2021. Động lực cho nhóm này đến từ thông tin về vaccine Covid-19 và các yếu tố nền tảng vĩ mô đang dần cải thiện.
Bất động sản: Nhà ở trung cấp có khả năng đạt lợi nhuận tốt
"Với lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp thuộc phân khúc nhà ở trung cấp có khả năng đạt lợi nhuận tốt nhờ nhu cầu tăng, trong khi bất động sản khu công nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra ngoài Trung Quốc", báo cáo FiinGroup đánh giá.
Cái tên tiêu biểu được nhắc đến là Vinhomes với lợi thế từ việc tiếp tục bàn giao tại 3 đại dự án.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp niêm yết trung cấp như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH), Công ty Cổ Phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG), Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG), Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) và Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC), có doanh số bán hàng tăng mạnh sẽ tạo cơ sở ghi nhận doanh thu cao trong năm 2021 nếu tiến độ bàn giao đúng kế hoạch. Lượng tiền khách hàng trả trước của những doanh nghiệp này cũng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua và dự kiến được ghi nhận vào doanh thu trong 3, 4 quý tới.
Bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi
Theo đánh giá của FiinGroup, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính đối với những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, như Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (SZC), Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV) và Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP).
Trong nhóm này, Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc còn hưởng lợi trong bối cảnh diện tích đất khu công nghiệp khả dụng tại Bắc Ninh và Hưng Yên, Bình Dương và Đồng Nai trở nên khan hiếm.
Chăn nuôi, thủy sản: Nhu cầu gia tăng
Với ngành chăn nuôi và thủy sản, nhu cầu về thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế theo Hiệp định EVFTA giúp các doanh nghiệp trong ngành này cải thiện biên lợi nhuận và đẩy mạnh xuất khẩu.
"Nhu cầu về thực phẩm tiện lợi tăng cao và ưu đãi thuế xuất 0% vào châu Âu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của nhóm tôm trong năm 2021. Trong khi đó, rủi ro lớn nhất đối với nhóm này là giá và cung nguyên liệu đầu vào", báo cáo của FiinGroup cho hay.
Riêng với chăn nuôi, cũng giống như năm 2020, nhóm phân tích cho rằng tăng trưởng năm 2021 tiếp tục đến từ Dabaco và bộ đôi GTNFoods, Vilico. Dù vậy, mảng chăn nuôi lợn của Dabaco (hiện đóng góp hơn 40% doanh thu) có thể khó duy trì mức tăng như năm nay do giá thịt lợn đang trong xu hướng giảm. Trong khi đó, GTNFoods và Vilico vẫn có nguồn thu chủ yếu đến từ hợp nhất doanh thu của Sữa Mộc Châu - doanh nghiệp sữa đang được công ty mẹ Vinamilk hỗ trợ tái cơ cấu và cải thiện biên lợi nhuận ròng.
Thủy điện và nhiệt điện: Tăng trưởng nhờ nhu cầu tăng
Thủy điện và nhiệt điện cũng được đánh giá có triển vọng tăng trưởng năm tới nhờ nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh (dự báo tăng gần 10%). Cũng trong nhóm điện nhưng điện khí có thể tiếp tục gặp khó do thiếu hụt nguồn cung khí LNG.
Thép: Xuất khẩu phôi thép là động lực tăng trưởng chính
Với ngành thép, xuất khẩu phôi thép được dự báo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính năm tới, trong bối cảnh tiêu thụ thép trong nước dự kiến ở mức thấp.
Theo đánh giá của FiinGroup, với việc chiếm hơn 32% thị phần trong nước, Hòa Phát là doanh nghiệp thép duy nhất có khả năng thiết lập mặt bằng giá (duy trì giá bán ra thấp để tăng thị phần) và linh hoạt trong phương án kinh doanh (đẩy mạnh xuất khẩu phôi thép và bán thép cán nóng trong nước khi nhu cầu thép xây dựng giảm mạnh).
"Tuy nhiên, tăng trưởng của doanh nghiệp này cũng có thể gặp thách thức nếu nhu cầu thép xây dựng trong nước tiếp tục giảm, ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào và nhu cầu nhập khẩu thép của Trung Quốc suy yếu nếu nước này cho phép nhập thép phế liệu trở lại từ tháng 6/2021", nhóm nghiên cứu bày tỏ quan điểm./.