Bức tranh trái chiều tại thị trường Hà Nội – TP Hồ Chí Minh: Nơi giảm giá bán để “cắt lỗ”, chỗ tăng giá đến chóng mặt

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường Hà Nội yếu, ghi nhận ít giao dịch. Trong khi đó, giá bán căn hộ tại TP Hồ Chí Minh biến động rất mạnh và nhà ở bình dân thì biến mất hẳn trên thị trường.

Hà Nội: giảm giá bán hàng cao cấp cắt lỗ để thu hồi vốn

Tại thị trường Hà Nội, nguồn cung thị trường bất động sản quý 2/2021 chủ yếu đến từ các dự án bất động sản đã chào bán từ các quý trước. Thị trường không có dự án nào mới được cấp đủ điều kiện bán hàng. Ngoài ra, có một số dự án cũ còn hàng tồn nhưng không thấy chào bán trong quý 2/2021.

Ở phân khúc căn hộ, sau biến động sốt đất mạnh và dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhìn chung thị trường Hà Nội yếu, ít giao dịch. Do vậy, các chủ đầu tư hạn chế chào bán để thăm dò thị trường, giá cũng không có hiện tượng điều chỉnh. Tuy nhiên, các dự án thuộc phân khúc cao cấp đã có động thái giảm giá thông qua các chương trình khuyến mãi, tặng quà. Ở thị trường thứ cấp, xuất hiện hiện tượng giảm giá bán đến mức lỗ để thu hồi vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hiện tượng này phần lớn xuất hiện ở các dự án cao cấp.

Nguồn cung suy giảm, Hà Nội xuất hiện hiện tượng giảm giá sâu để cắt lỗ.  
Nguồn cung suy giảm, Hà Nội xuất hiện hiện tượng giảm giá sâu để cắt lỗ.  

Ở phân khúc đất nền, liền kề ghi nhận nguồn cung suy giảm do khan hiếm dự án mới được phê duyệt. Nguồn cung tập trung chính ở Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên. Lượng giao dịch thấp một phần do giá còn ở mức cao, một phần do dịch bệnh Covid kéo dài. Tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Hiện tượng rao bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra mạnh trên thị trường. Một số sản phẩm cũng có dấu hiệu giảm giá thông qua việc đưa chính khuyến mãi lớn và tặng quà khủng. Giá đất tại các dự án ở Đông Anh, Gia Lâm chững lại và giữ như ở cuối quý 1/2021 mặc dù giao dịch thấp.

Giá đất ở một số khu vực có hiện tượng sốt đất như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Hoài Đức… thời điểm đầu năm đã có dấu hiệu sụt giảm, thể hiện qua thông tin chào bán trên thị trường. Tuy nhiên, dù giá giảm nhưng thị trường cũng không xuất hiện nhiều giao dịch thực

TP Hồ Chí Minh: giá bình quân căn hộ cao cấp cao nhất trừ trước đến nay

Trong khi đó, giá bán căn hộ tại TP Hồ Chí Minh biến động rất mạnh, khoảng giãn lớn nên rất khó xác định mức giá bình quân. Nhà ở bình dân thì biến mất hẳn trên thị trường. Giá bán biến động mạnh nhất thuộc về khu vực TP Thủ Đức, quận 7 và một số quận trung tâm. Nếu so với năm 2019 thì giá bán căn hộ tại một số vùng thuộc TP Thủ Đức đã bị đẩy lên khoảng 2 lần. Cụ thể, thời điểm năm 2019, mức giá chào bán cao nhất là khoảng 35 triệu đồng/m2 thì hiện nay mức giá thấp nhất là 40 triệu đồng/m2 và đạt trung bình khoảng 60 triệu đồng/m2.

Bức tranh trái chiều tại thị trường Hà Nội – TP Hồ Chí Minh: Nơi giảm giá bán để “cắt lỗ”, chỗ tăng giá đến chóng mặt - Ảnh 1

Giá bình quân của số căn hộ cao cấp được chào bán trong quý 2/2021 tại TP Hồ Chí Minh là con số kỷ lục từ trước đến nay không chỉ ở thị trường này mà còn là ở cả Việt Nam, đạt khoảng 228 triệu đồng/m2. Điển hình là 1.095 căn hộ tại dự án Grand Maria Sài Gòn (quận 1) có giá bán từ 366 triệu đồng/m2 đến 500 triệu đồng/m2; dự án Dragon Sky View (quận Thủ Đức) có giá chào bán 450 triệu đồng/m2; Thủ Thiêm Zeit River có giá 160 triệu đồng/m2.

Ở phân khúc nhà đất, cũng như căn hộ, loại hình shop house tại các khu vực TP Thủ Đức cũng bị đẩy giá rất cao. Từ mức giá nhỏ hơn 100 triệu đồng/m2 đến nay giá chào bán đều ở ngưỡng trên dưới 200 triệu đồng/m2. Một số cái tên có thể kể đến như Thủ Thiêm Zeit River hay Ruby Boutique Residence… Nhà liền kề tại các khu vực này cũng đều chạm ngưỡng 100 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, do thiếu nguồn hàng dự án nên hiện tượng gom đất, gom sổ để tạo sản phẩm phân lô, phân nền diễn ra rất mạnh, tại một số huyện như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh…

An Nhiên

Theo Kinh doanh & Phát triển