Đấu giá đất đã qua thời kỳ hoàng kim
Không còn cảnh xếp hàng dài chờ đấu giá, chốt giao dịch gấp 2 - 3 lần giá khởi điểm, nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương đang vắng bóng khách hàng. Tuy nhiên, tại một khu vực, loại hình này vẫn diễn ra sôi động trong quý III và đầu quý IV/2023.
Chật vật đấu giá đất
Trong một báo cáo gần đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương gặp khó khăn, thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch, ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu ngân sách, nhất là ở các huyện, thị xã.
Nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản giảm nhiệt, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động nguồn lực tài chính. Ngoài ra, cũng có một phần nguyên nhân từ việc giải phóng mặt bằng chậm hoặc còn vướng mắc thủ tục về quy hoạch, đất đai.
Theo đó, TP tổ chức được 65 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có 37 phiên đấu giá thành công và 28 phiên đấu giá không thành; kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất là 724 tỷ đồng, chỉ đạt 5,42% kế hoạch năm.
Trong khi đó, tại Bắc Giang, sau thời nhảy múa, thị trường nhà đất Bắc Giang nay hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư mắc kẹt với đất đấu giá. Ví dụ như trường hợp của anh T (TP Bắc Giang) đang mòn mỏi chờ thoát hàng, thu hồi vốn từ lô đất trúng đấu giá hơn 4,3 tỷ đồng. Người này chia sẻ, vào cuối năm 2021, giá đất nền ở Bắc Giang vô cùng sôi động, giá đất lên từng ngày nên các phiên đấu giá đông nghẹt người, quá nửa là nhà đầu tư lướt sóng. Sau đấu giá, nhiều người sang tay ngay ăn chênh cả trăm triệu đồng.
Đầu tháng 11/2022, được sự giới thiệu của bạn, lại có sẵn 2,5 tỷ đồng trong tay, anh T quyết định “đánh liều” tham gia một phiên đấu giá và thực hiện trót lọt vụ lướt sóng đầu tiên khi sang tay thành công lô đất đấu giá hơn 2,3 tỷ đồng, lời 80 triệu đồng chỉ trong 1 tuần rao bán lại.
“Thấy ngon ăn, tôi quyết định vay thêm tiền để lướt sóng đất đấu giá. Nhưng “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, phi vụ thứ hai trở thành cơn ác mộng. Lô đất hiện tại trúng đấu giá hơn 4,3 tỷ đồng, cũng từng có người trả hơn 5 tỷ đồng mà tôi không đồng ý, giờ muốn bán hòa vốn cũng khó”, anh T thổ lộ.
Hay như tại Quảng Trị, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh ông Nguyễn Trí Hữu cho hay từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm có ba lần tổ chức đấu giá đất nhưng không thành công, không có người mua.
Sau 9 tháng đầu năm 2023, Quảng Trị mới thu được 194 tỉ đồng từ đấu giá đất, chỉ đạt 24% mục tiêu. Nhiều phiên đấu giá không có người mua vì giá sàn cao, diện tích lô đất rộng.
Trước việc các lô đất có diện tích lớn, giá sàn cao không hấp dẫn nhà đầu tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, cùng các ngành chức năng nghiên cứu giảm diện tích lô đất, hạ giá sàn trên cơ sở đề nghị của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Hải Dương. Từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đấu giá hàng loạt khu đất, nhưng có nhiều khu đất đấu giá đến 2- 3 lần vẫn không có khách tham gia.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản (EZ Property) cho hay hàng năm, các tỉnh đều có nguồn thu từ đấu giá đất, thế nhưng năm nay nhiều tỉnh đang không đạt chỉ tiêu, sức nóng thị trường giảm sút mạnh.
Lý do, theo ông Toàn, là bởi mức giá khởi điểm vẫn neo quá cao, vượt trội so với mặt bằng chung trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng có thể còn kéo dài sang năm 2024. “Đất đấu giá trước đây chủ yếu được nhà đầu tư quan tâm, nay họ rút đi thì đất ế là đương nhiên”, ông Toàn nói.
Vẫn xuất hiện “điểm sáng”
Trong khi phân khúc đất nền, đặc biệt là đất đấu giá còn gặp nhiều khó khăn thì trong quý III và đầu quý IV/2023 đất đấu giá tại một số quận huyện vẫn được nhiều người quan tâm. Điều đó cho thấy, phân khúc này sẽ là điểm sáng của thị trường đất nền từ nay đến cuối năm.
Đơn cử như huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) vừa qua đã tổ chức đấu giá 40 thửa đất ở tại 4 xã: Chuyên Mỹ, Đại Thắng, Bạch Hạ, Vân Từ. Cuộc đấu đã thu hút gần 120 người tham gia, các vị trí đất đều nằm giáp các làng nghề tuyền thống, nơi người dân có nhu cầu để ở và sản xuất cao. Nhiều khách hàng tham gia đấu giá nhận định, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, pháp lý rõ ràng là điểm mạnh thu hút nhiều người quan tâm.
Hay như cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) vừa qua, 38 thửa đất được đem ra đấu giá cũng đã được đấu thành công với giá trúng đều cao hơn giá khởi điểm. Các thửa đất được đem ra đấu giá lần này nằm cách quốc lộ 32 chỉ khoảng 100m, có hạ tầng được xây dựng đồng bộ, nằm sát các tuyến đường hạ tầng khung của huyện đã được quy hoạch. Cuộc đấu giá đã thu hút khoảng 80 khách hàng tham gia.
Ngoài ra, cũng trong quý III và đầu quý IV/2023, đã có hàng chục cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở đã diễn ra tại các huyện như: Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Đan Phượng, Phú Xuyên. Số lượng khách hàng tham gia các cuộc đấu giá này cũng tăng cao hơn so với các cuộc đấu đầu năm nay. Giá trúng của các thửa đất cũng đều cao hơn giá khởi điểm. Điều đó cho thấy, đất đấu giá sẽ là điểm sáng của thị trường đất nền từ nay đến cuối năm.
Theo ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch G6 Group, những năm trở lại đây, nguồn cung loại hình này khá nhiều khi các đại phương liên tục tổ chức tiến hình đấu giá đất, để tăng nguồn thu ngân sách. Giai đoạn 2020-2022, đấu đấu giá liên tục ghi nhận mặt bằng giá tăng mạnh.
“Đến thời điểm hiện tại, loại hình này đã bắt đầu giảm nhiệt khi nhiều phiên đấu giá bị ế, mức giá cũng giảm, dẫn tới một số địa phương giảm bớt các cuộc đấu giá”, ông Quê nhấn mạnh.