Hà Nội nghiên cứu bổ sung sân bay thứ hai:Vị trí nào?
Việc lựa chọn vị trí quy hoạch sân bay thứ hai vùng thủ đô, theo GS.TS Đặng Đình Đào, phải tính kỹ để đảm bảo điều hành bay an toàn, hiệu quả.
UBND TP Hà Nội vừa giao các đơn vị nghiên cứu bổ sung sân bay quốc tế thứ 2 ở phía Nam, Đông Nam TP, hỗ trợ cho sân bay quốc tế Nội Bài.
Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, với thông tin trên, vị trí nghiên cứu để làm sân bay quốc tế thứ 2 vùng thủ đô đã mở rộng hơn.
Trước đó, UBND TP Hà Nội nhiều lần đề xuất vị trí quy hoạch sân bay thứ hai vùng thủ đô tại khu vực huyện Ứng Hòa, phía nam TP Hà Nội. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, tư vấn và nhiều cơ quan liên quan đều đánh giá vị trí Ứng Hòa không khả thi để bố trí cảng hàng không mới với mục đích hỗ trợ, chia sẻ lưu lượng cho cảng hàng không Nội Bài. Thậm chí, theo lãnh đạo Bộ GTVT, các vị trí tiềm năng khác tại Thanh Miện (Hải Dương), Tiên Lãng (Hải Phòng) có tính khả thi cao hơn.
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng, Bộ này đề xuất, trong giai đoạn đến năm 2050 hình thành sân bay thứ hai hỗ trợ cho sân bay Nội Bài về phía Đông Nam Thủ đô Hà Nội. Các chỉ tiêu quy hoạch dự kiến của sân bay này sẽ được nghiên cứu, xác định trong giai đoạn trước năm 2030.
Theo GS.TS Đặng Đình Đào, vị trí xây dựng sân bay thứ hai vùng thủ đô, ngoài điều kiện tự nhiên (địa hình, hướng gió…), khả năng đáp ứng của vùng trời, phương thức bay, công nghệ quản lý bay của Việt Nam, cần phải là khu vực dư địa đất lớn, mật độ dân cư, mật độ xây dựng vừa phải để giảm chi phí đền bù; đồng thời phải tính đến khả năng kết nối với các loại hình giao thông khác, như đường trên cao, metro...
Vị chuyên gia logistics phân tích, giả thiết sân bay thứ hai đặt ở Gia Lâm là điều khó có thể xảy ra vì không gian cũng như khả năng mở rộng hạn chế. Sân bay thứ hai hỗ trợ cho sân bay Nội Bài thì ít nhất phải xấp xỉ hoặc hơn Nội Bài, do đó cần đặt ở nơi còn nhiều dư địa đất đai, có thể kết nối, phát triển được. Trong khi đó, năm 2020, Bộ GTVT đã quyết định bỏ quy hoạch sân bay Gia Lâm ra khỏi mạng dân dụng, lý do là sân bay này hạn chế trong việc mở rộng và nằm giữa khu dân cư.
"Mật độ dân số càng đông, mật độ xây dựng càng dày đặc thì đền bù càng tốn kém", GS.TS Đặng Đình Đào dẫn một trong các lý do mà ông cho rằng Gia Lâm khó có thể là nơi đặt sân bay thứ hai vùng thủ đô.
"Hà Nội chắc chắn phải xem xét tính khả thi và hiệu quả của sân bay, không thể cố làm để có dự án, để rồi như một số địa phương phải trả lại vốn đầu tư công", ông nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia, phía Đông Nam TP Hà Nội đã có sân bay Gia Lâm, xa hơn là Cát Bi (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), do đó có thể nghiên cứu khu vực phía Nam Hà Nội (bao gồm cả Thường Tín) để thuận lợi cho kết nối giao thông sau này, đồng thời đây cũng là khu vực dư địa đất đai còn nhiều, mật độ dân cư phù hợp.
"Đương nhiên, quy hoạch sân bay ở đâu là một bài toán tổng hợp, không chỉ cứ thấy khu vực có đất rộng rồi muốn đặt sân bay. Các bên liên quan, gồm Hà Nội, hàng không dân dụng, quân đội... cần ngồi lại để cùng nghiên cứu, khảo sát, tính toán cụ thể dựa trên các tiêu chí, trong đó tính tới cả những tác động của biến đổi khí hậu, nhu cầu đi lại, kết nối các loại hình giao thông...", GS.TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
Trước đây, khi vấn đề xây dựng sân bay thứ hai vùng thủ đô được đặt ra, đã có nhiều ý kiến chuyên gia khẳng định về sự cần thiết của sân bay này đối với Hà Nội trong tương lai. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đều đồng thuận rằng, tìm vị trí sân bay là bài toán nan giải, không phải khoanh vài ba nghìn hecta là làm được sân bay.
Từng cho ý kiến trên Đất Việt về vấn đề này, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, muốn lựa chọn vị trí để đặt sân bay phải khảo sát, thiết kế, quy hoạch khu vực đó dựa trên việc xem xét hiện trạng khu vực đó đã có gì. Chẳng hạn, có bao nhiêu sân bay, đường giao thông kết nối thế nào... Chỉ khi nào hệ thống giao thông, từ đường không, đường thủy đến đường bộ, đường sắt... đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện thì mới phát huy được hiệu quả kinh tế, đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố.
"Một sân bay cần phải giải quyết được các vấn đề như độ cao so với mặt nước biển, thoát nước tốt, phù hợp với khí hậu, thời tiết, hướng gió, không gian thông thoáng, tránh xung đột vùng trời...", TS Trần Quang Châu chỉ rõ và nhấn mạnh, vấn đề quy hoạch không gian để đảm bảo điều hành bay an toàn, hiệu quả là một bài toán khó.
Theo vị chuyên gia, việc khảo sát, thiết kế, quy hoạch khu vực để chọn sân bay có thể mất hàng năm trời bởi công tác điều tra, nghiên cứu một cách khách quan các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, tâm linh... phải được tiến hành kỹ càng, không phải một sớm một chiều mà xong được.