Ông chủ thực sự đứng sau Nhà Khang Điền (KDH) là ai?

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) được biết đến là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn tại TP Hồ Chí Minh. Những ngày gần đây, Khang Điền lại gây chú ý trên thị trường khi thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu. Tuy nhiên, một thông tin cũng được giới đầu tư quan tâm lúc này đó là ai là ‘ông chủ’ thực sự của Nhà Khang Điền?

Ông chủ thực sự của Nhà Khang Điền

Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền, doanh nghiệp được biết đến với lượng quỹ đất ‘khủng’ tại TP Hồ Chí Minh với nhiều dự án như Lovera Vista, Jamila, Safira, Verosa Park, Lucasta Villa …

Theo tìm hiểu, Khang Điền được thành lập vào năm 2001, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Có địa chỉ tại phòng 1&2, Tầng 11, Tòa nhà Sài Gòn Centre, 67 Lê Lợi, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Sáng lập nên Khang Điền là ông Lý Điền Sơn, người được biết đến là anh trai của diễn viên điện ảnh kiêm ca sỹ Lý Văn Hùng (Lý Hùng). Chủ tịch HDQT hiện tại của Khang Điền là Bà  Mai Trần Thanh Trang.

Ông Lý Điền Sơn – người sáng lập Nhà Khang Điền.  
Ông Lý Điền Sơn – người sáng lập Nhà Khang Điền.  

Năm 2007, Công ty Khang Điền chính thức lên công ty cổ phần với tên thường gọi Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền.

Quá trình tăng vốn điều lệ của KDH:

Năm 2010, Công Ty Khang Điền chính thức niêm yết cổ phiếu tại HOSE với mã KDH. Tăng vô điều lệ lên 449 tỷ đồng. Năm 2014 doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 750 tỷ đồng.

Đến Năm 2015 Khang Điền tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 1.800 tỷ đồng. Sở hữu 57,31% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI).

Ngày 21/11/2017 tăng vốn điều lệ lên 2.424.000.430.000 đồng. Ngày 08/12/2017 tăng vốn điều lệ lên 3.360.000.000.000 đồng và sáp nhập Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bình Chánh vào KDH.

Ngày 14/03/2018 tăng vốn điều lệ lên 3.878.323.170.000 đồng. Ngày 05/10/2018 tăng vốn điều lệ lên 4.072.233.530.000 đồng. Ngày 17/10/2018 tăng vốn điều lệ lên 4.140.233.530.000 đồng. Ngày 01/07/2019 tăng vốn điều lệ lên 5,382,291,090,000 đồng. Ngày 11/07/2019 tăng vốn điều lệ lên 5.444.291.090.000 đồng. Ngày 07/09/2020 tăng vốn điều lệ lên 5.786.572.190.000 đồng. Đến ngày 29/06/2021 KDH tăng vốn điều lệ lên 6.429.370.690.000 đồng;

Về cơ cấu cổ đông hiện tại của Nhà Khang Điền, Bà  Mai Trần Thanh Trang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch HĐQT là ông Lý Điền Sơn (người sáng lập Khang Điền đã được đề cập ở trên). Tổng Giám đốc KDH hiện tại là ông Vương Văn Minh các phó tổng giám đốc bao gồm bà Nguyễn Thùy Trang, ông Lê Hoàng Khởi, ông Trương Minh Duy và ông Bùi Quang Huy.

Cơ cấu cổ động nội bộ của Nhà Khang Điền.  
Cơ cấu cổ động nội bộ của Nhà Khang Điền.  

Đáng chú ý, dàn lãnh đạo mới của Khang Điền cũng liên tục thay đổi với những gương mặt mới khiến nhiều người thắc mắc ai mới là chủ thực sự của công ty bất động sản có nhiều quỹ đất ở Khu Đông này?.

Trong đó, đáng chú là ông Lý Điền Sơn – người từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Đến cuối tháng 3/2017, ông Sơn đã từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc để nhường lại cho bà Ngô Thị Mai Chi. Trước đó, ông Sơn cũng đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT cho người khác để lùi xuống vị trí Phó Chủ tịch.

Khang Điền được coi là doanh nghiệp gia đình của ông Lý Điền Sơn khi tính đến năm 2021 người sáng lập Khang Điền nắm giữ hơn 6 triệu cổ phiếu KDH (tương đương 1,06% vốn). Em trai ông là Lý Văn Hùng (diễn viên, ca sĩ Lý Hùng) cũng sở hữu 76.514 cổ phần và mẹ ông là bà Đoàn Thị Nguyên cũng sở hữu số cổ phần tương tự.

Thời điểm ông Lý Điền Sơn từ chức chủ tịch HĐQT, vị trí này được trao lại cho bà Trần Thanh Trang (vào tháng 4/2017). Trên thương trường, bà Trang là người khá kín tiếng.

Bà Mai Trần Thanh Trang – nữ chủ tịch kín tiếng của Nhà Khang Điền.  
Bà Mai Trần Thanh Trang – nữ chủ tịch kín tiếng của Nhà Khang Điền.  

Được biết, chưa đầy 1 năm sau khi làm trợ lý cho ông Lý Điền Sơn (tháng 7/2007), bà Trang lên làm Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty (tháng 6/2008). Đến tháng 4/2017 thì giữ chức Chủ tịch nêu trên.

Bóng dáng VinaCapital tại Nhà Khang Điền

Tháng 5/2012, Khang Điền bất ngờ công bố nghị quyết về việc bầu Chủ tịch nhiệm kỳ 2012 – 2017 (khi đó ông Lý Điền Sơn vẫn là Chủ tịch HĐQT). Theo đó, ông Andy Ho – Giám đốc điều hành Qũy Đầu tư VinaCapital được bầu là Chủ tịch HĐQT thay cho ông Lý Điền Sơn ngày 20/04/2012. Lúc này Ông Lý Điền Sơn lùi xuống giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, đến 15/3/2013, ông Sơn lại bất ngờ trở lại giữ chức Chủ tịch HĐQT thay ông Andy Ho.

Ông Andy Ho – người từng có 1 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT Nhà Khang Điền.  
Ông Andy Ho – người từng có 1 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT Nhà Khang Điền.  

Thời điểm ông Andy Ho còn đương chức, Khang Điền đã chuyển nhượng 25% vốn trong Công ty liên doanh CVH Mùa Xuân (chủ đầu tư Dự án ParcSpring) cho CapitaLand trước bối cảnh thị trường không khả quan, và trút bỏ được áp lực tăng thêm vốn.

Thời điểm ông Andy Ho rời ghế Chủ tịch, một số thành viên tại nhóm Vina Capital vẫn còn ghế trong HĐQT Khang Điền. Cụ thể là Bà Nguyễn Thị Diệu Phương (sinh năm 1980)- Phó giám đốc điều hành Qũy đầu tư VinaCapital giữ chức thành viên độc lập. Thời điểm năm 2015, bà Phương còn là Thành viên HĐQT không điều hành tại CTCP Đầu tư và Xây dựng Bình Chánh (BCCI), nay là Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc.

Ngoài ra, ông David Robert Henry – Giám đốc điều hành qũy đầu tư Bất động sản VinaCapital cũng được Khang Điền mời vào là vai trò  thành viên của Hội đồng Quản trị từ tháng 10/2009. Ông Henry giữ đến tháng 4/2014 cũng từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Nhà Khang Điền đang làm ăn thế nào?

Theo Báo cáo tài chính quý I/2022 vừa được CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền công bố, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 143 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. Khoản doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản cũng giảm 85% còn 129 tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu tài chính của KDH (Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của Nhà Khang Điền).  
Một số chỉ tiêu tài chính của KDH (Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của Nhà Khang Điền).  

Có thể thấy, trong quý I đầu năm, giá vốn hàng bán của KDH đạt 65 tỷ đồng (giảm 86% so với cùng kỳ năm trước) kéo theo lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 78,4% (còn 77,42 tỷ đồng).

Đồng thời, chi phí tài chính giảm 82,4% về mức 2,96 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm gần 33% về mức 13,7 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15% lên thành 58,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dòng tiền của Khang Điền trong quý I đầu năm ghi nhận con số âm gần 500 tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2022 lưu chuyển tiền thuần vào hoạt động kinh doanh của KDH âm hơn 480 tỷ đồng (giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước).

Dòng tiền kinh doanh của Khang Điền âm 480 tỷ đồng (Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của Nhà Khang Điền).  
Dòng tiền kinh doanh của Khang Điền âm 480 tỷ đồng (Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của Nhà Khang Điền).  

Tuy nhiên, trong kỳ KDH vẫn ghi nhận khoản lợi nhuận trăm tỷ trong khi cùng kỳ lỗ 7 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh nghiệp ghi nhận khoản thu nhập khác lên tới gần 344 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ hơn 12 tỷ đồng) nhờ giao dịch mua rẻ khi nhóm công ty nhận chuyển nhượng 60% lợi ích vốn chủ sở hữu tại CTCP Đầu tư Bất động sản Phước Nguyên.

Trước đó, Nhà Khang Điền cũng đã thông qua tờ trình về việc Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Gia Phước (công ty con do Khang Điền sở hữu 99,9% vốn điều lệ) nhận chuyển nhượng vốn từ cổ đông của CTCP Đầu tư Bất động sản Phước Nguyên. Qua đó, Gia Phước sẽ nhận chuyển nhượng 60% vốn điều lệ của Phước Nguyên (tương đương 366 tỷ đồng vốn tính theo mệnh giá), giá trị nhận chuyển nhượng tối đa là 620 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2022 Nhà Khang Điền sở hữu tổng nguồn vốn 17.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 11.140 tỷ đồng, còn lại là 6.256 tỷ đồng nợ phải trả.

Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của Nhà Khang Điền.  
Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của Nhà Khang Điền.  

Trong khoản nợ phải trả là các khoản nợ ngân hàng, được Khang Điền thế chấp bằng nhiều tài sản là bất động sản tại TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, tính đến hết tháng 3/2022, KDH ghi nhận 482 tỷ đồng từ vay nợ trái phiếu, trong đó vay ngắn hạn là 182 tỷ đồng, 300 tỷ đồng còn lại là vay dài hạn. Điều đáng nói, khoản vay này của Khang Điền lại không có tài sản đảm bảo mà được vay theo hình thức tín chấp (dựa vào uy tín của doanh nghiệp mà không cần tài sản đảm bảo).

Bên cạnh vay nợ qua kênh trái phiếu, khoản nợ gần 4.000 tỷ đồng từ vay ngân hàng của Khang Điền cũng đáng chú ý.

Ngoài ra, theo dự kiến Khang Điền cũng sẽ vay thêm 2.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.

Cụ thể, HĐQT Nhà Khang Điền đã thông qua  phương án chào bán tối đa 20 triệu trái phiếu, tương ứng tổng số tiền huy động tối đa 2.000 tỷ đồng.

Nguồn: Nghị quyết HĐQT của KDH.  
Nguồn: Nghị quyết HĐQT của KDH.  

Được biết, đây là loại phiếu dự kiến phát hành là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn trái phiếu là 36 tháng kể từ ngày phát hành. Lãi suất cụ thể chưa được thông báo và sẽ do tổng giám đốc công ty quyết định, dự kiến trong khoảng từ 9% – 10%. Dự kiến trong quý II Khang Điền sẽ chào bán lô trái phiếu này.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển