Xu hướng “ngại cưới, lười sinh" do giá nhà tăng cao
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, giá nhà tăng cao là một phần nguyên nhân rất lớn, thúc đẩy xu hướng ngại cưới, không muốn hoặc sinh rất ít con, đặc biệt báo động ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỷ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua.
Cụ thể, từ năm 1989 - 2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 và nữ là 23,2 đã tăng lên 29,3 tuổi với nam và 25,1 đối với nữ vào năm 2023. Tỉ lệ người độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.
Xu hướng không muốn hoặc sinh 1 con đang lan rộng trong các đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Mức sinh cũng giảm rõ rệt, từ 3,8 con vào năm 1989 xuống dưới 2 con vào năm 2023. Trong giai đoạn 2013 - 2023, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam chỉ tăng khoảng 1 triệu người.
Đáng chú ý, tại TP Hồ Chí Minh, số liệu thống kê từ báo cáo của GSO vào tháng 7 vừa qua cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP Hồ Chí Minh là 30,4, mức kỷ lục tại Việt Nam. Số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32.
Không chỉ tại Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn hoặc độc thân cũng đang không ngừng gia tăng, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), có đến 89 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hiện có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, trong khi cách đây 50 năm chỉ có 8 quốc gia. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Nhật Bản (34), Italy (34), Pháp (32,9), Nauy (33,1), Đức (32,8).
Bên cạnh đó, lựa chọn lối sống DINK (“Double Income, No Kids” - Hai thu nhập, không con cái) cũng đang ngày càng trở nên phổ biến ở châu Á thời gian gần đây. Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan như mong muốn sống tự do, không ràng buộc thì với ngân sách eo hẹp, các cặp vợ chồng này cảm thấy họ chỉ có thể trang trải được một trong hai khoản. Đó là, hoặc mua nhà, hoặc đẻ con.
Theo tính toán của realtor.com, mua nhà sẽ chỉ tốn thêm khoảng 50% mỗi tháng so với việc nuôi con.
Lý giải nguyên nhân “ngại cưới, lười sinh", VARS cho rằng, mặc dù có nhiều lý do cho lựa chọn này, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ vấn đề tài chính. Một khảo sát nhanh trên fanpage VTV24 gần đây về lý do mong muốn kết hôn sau tuổi 30 cũng cho thấy, có đến 62% trong số khoảng 400.000 bạn trẻ tham gia khảo sát chọn kết hôn sau 30 vì vẫn còn những nỗi lo về cơm áo gạo tiền.
Nỗi lo về cơm áo gạo tiền này bị tác động rất lớn bởi giá nhà. Giá nhà ngày càng tăng cao, kéo theo giá thuê nhà ở cũng tăng cao đang gây áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân.
Nhiều người trẻ có suy nghĩ phải mua được nhà trước khi kết hôn hoặc sinh con, nhưng do giá nhà đất hiện nay tăng vọt, không dễ để mua nên họ phải “cày ngày, cày đêm" để có thể mua nhà cho bằng được. Họ đã bỏ qua thời điểm “vàng" để lập gia đình, sinh con.
Để giải quyết vấn đề hiện tại, tại các nước phát triển, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các biện pháp để khuyến khích người trẻ kết hôn, tăng tỷ lệ sinh sản. Trong đó, ngoài các chính sách về phúc lợi, phần lớn các biện pháp khuyến khích khác là trợ cấp bằng tiền mặt cho việc thuê, mua nhà.
Cụ thể, Nhật Bản hỗ trợ các cặp đôi mới kết hôn một khoản 600.000 yên (hơn 130 triệu đồng) nhằm trang trải chi phí mua/thuê nhà mới, tiền đặt cọc, tiền chìa khóa, phí dịch vụ thông thường, phí môi giới. Đồng thời, hỗ trợ chi phí chuyển đến nơi ở mới và chi phí trả cho công ty chuyển nhà và người vận chuyển.
Tại thành phố Busan, Hàn Quốc, các cặp vợ chồng son cũng sẽ nhận 30 triệu won (khoảng 550 triệu) để đặt cọc mua nhà hoặc 800.000 won (hơn 14 triệu) mỗi tháng tiền trợ cấp thuê nhà trong 5 năm.
Còn tại nước có giá nhà cao nhất châu Á - Singapore, các cặp vợ chồng trẻ có thể nhận được trợ cấp nhà ở lên tới 80.000 SGD (khoảng 1,5 tỷ). Riêng nhóm mua nhà lần đầu là vợ chồng trẻ hoặc gia đình có con sẽ được ưu tiên khi có căn hộ mới.
Bất chấp những nỗ lực đó, tỷ lệ kết hôn và sinh con ở các quốc gia nói trên vẫn cải thiện rất chậm. Trong khi tại Việt Nam, các biện pháp khắc phục tình trạng thúc đẩy kết hôn trước 30 tuổi và khuyến khích sinh thể hiện vẫn rất chung chung, chắc chắn sẽ khó có tác dụng như mong đợi.
Do đó, VARS cho rằng, để khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 và tăng mức sinh, trên cơ sở tận dụng kinh nghiệm của các quốc gia khác, Chính phủ cần triển khai quyết liệt các biện pháp hiện đã có và nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích rõ ràng hơn như ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con.