Bất động sản vùng ven trở thành ‘thỏi nam châm’ hút nhà đầu tư

Với việc quỹ đất ngày càng co lại tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM khiến vùng ven đang trở thành địa chỉ thu hút dòng tiền đầu tư thông minh.

Thị trường bất động sản vùng ven đã và đang cho thấy sức hấp dẫn và cơ hội phát triển to lớn. Những đô thị ngột ngạt, chen cứng các công trình, dự án khiến người dân có xu hướng tìm đến một không gian rộng rãi, trong lành hơn. Bất động sản vùng ven, do đó, đã trở thành sự lựa chọn tất yếu, khi mà địa bàn ven những đô thị lớn có thể đáp ứng được hầu hết các nhu cầu đặt ra.

Bất động sản vùng ven dẫn dắt thị trường

Tiềm năng của thị trường bất động sản vùng ven là không thể phủ nhận, khi cả điều kiện chủ quan (giá trị thực và khác biệt của vùng ven), cũng như điều kiện khách quan (xu hướng đô thị hóa, sự xuất hiện của lớp khách hàng mới có thu nhập tốt, có nhu cầu tìm tòi, khám phá, hưởng thụ…), song nếu để phân khúc thị trường này “lớn lên” một cách tự phát, “trăm hoa đua nở” thì rất khó phát huy hết lợi thế của phân khúc này, chưa kể có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, đường mở đến đâu, nhu cầu đầu tư bất động sản sẽ tăng đến đó nên khi hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, kết nối giữa nội đô các thành phố lớn với các khu vực xung quanh, dòng tiền cũng tất yếu phân bổ ra phạm vi rộng hơn.

Bất động sản vùng ven đang trở thành địa chỉ thu hút dòng tiền đầu tư thông minh.
Bất động sản vùng ven đang trở thành địa chỉ thu hút dòng tiền đầu tư thông minh.

Hiện nay, quỹ đất khu vực trung tâm các đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ngày càng hạn hẹp, giá cả đắt đỏ, xu thế giãn dân ngày càng lớn khi các tuyến hạ tầng giao thông hình thành khiến vùng ven đang trở thành "vùng trũng" thu hút dòng tiền đầu tư.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Bất động sản vùng ven và vai trò của dự án động lực”, ông Vũ Quang Đại, Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đầu tư và phát triển dự án Think Tank Việt Nam cho rằng, phát triển bất động sản vùng ven đã là xu thế của thế giới, không riêng gì Việt Nam.

Thế giới đã đi trước chúng ta nhiều năm về phát triển bất động sản vùng ven. Khi giá nhà đất ở các đô thị ngày càng cao, không gian ở đô thị ngày càng bị thu hẹp, thì chỉ những vùng ven đô thị mới đáp ứng được các nhu cầu về không gian phát triển dự án, không gian sinh sống cho cư dân, lại có điều kiện khí hậu trong lành, và đặc biệt, là với mức tài chính hợp lý để người dân có thể sở hữu được một ngôi nhà mong muốn.

Theo ông Đại, vùng ven được hiểu là các vùng lân cận những đô thị lớn, có sự kết nối hạ tầng giao thông với các đô thị trung tâm, đảm bảo sự di chuyển thuận tiện cho người dân. Do đó, hạ tầng kết nối tốt là yếu tố khá quan trọng, bởi cư dân sẽ tính “phút xe chạy” để đo khoảng cách từ đô thị trung tâm tới vùng ven, thay vì số km.

Trong 3 năm trở lại đây kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, xu hướng dịch chuyển vùng ven bùng phát mạnh mẽ. Ở khu vực vùng ven này cũng đã xuất hiện những dự án có quy mô lớn, có vai trò của một dự án động lực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Cũng theo ông Đại, để phát triển hiệu quả, lành mạnh thị trường bất động sản vùng ven, điều rất quan trọng là chính quyền địa phương có tầm nhìn dài hạn, có mong muốn phát triển những dự án lớn, tạo điểm nhấn, tạo sức bật cho cả vùng.

Định hướng phát triển của một địa phương rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản vùng ven. Những địa phương cam kết mạnh mẽ và chung tay với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phát triển một hạ tầng đồng bộ, có định hướng rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn hướng phát triển dự án phù hợp với địa phương, kết nối với kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy địa phương phát triển.

Một trong những cam kết, hỗ trợ quan trọng của địa phương đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển dự án chính là cam kết về đảm bảo hạ tầng, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng. Điều đó chính là một trong những “chìa khóa” quan trọng để các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án đảm bảo tiến độ dự án, đảm bảo “lời hứa” với khách hàng, với người dân địa phương nói riêng, cũng như với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đặt dự án nói chung.

Dư địa tăng giá trong tương lai

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, lợi thế của bất động sản vùng ven chính là dư địa phát triển mạnh mẽ của địa bàn này, nhờ lợi thế về vị trí, hay yếu tố mới mẻ, riêng có của mỗi vùng.

Nhu cầu khám phá, tìm hiểu những vùng đất mới cũng là yếu tố khiến bất động sản vùng ven càng trở nên hấp dẫn, giàu tiềm năng hơn.
Nhu cầu khám phá, tìm hiểu những vùng đất mới cũng là yếu tố khiến bất động sản vùng ven càng trở nên hấp dẫn, giàu tiềm năng hơn.

Có ngôi nhà thứ hai ở một vùng ven, người dân sẽ chủ động di chuyển, tới nghỉ ngơi thay vì phải chờ đợi tàu, xe, máy bay… như đến những vùng xa. Hơn nữa, mỗi vùng đó lại có bản sắc văn hóa riêng, sẽ hấp dẫn những khách hàng ưa khám phá, tìm tòi…

Theo ông Khánh, cần phải phát triển bất động sản vùng ven một cách bài bản. Hiện nay, các địa phương đang tích cực hoàn thiện quy hoạch tỉnh, thành phố, nằm trong Quy hoạch tổng thể Quốc gia. Phát triển bất động sản của địa phương vùng ven cũng phải được đặt trong quy hoạch này thì mới tạo được tầm nhìn dài hạn.

Về phía các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án, “chìa khóa” nằm ở sự cam kết về pháp lý và tiến độ dự án, về sự phát triển các dự án quy mô, bài bản, đảm bảo chất lượng và sự gắn bó lâu dài với địa phương. Đó phải là những dự án trọng điểm của vùng, địa phương; là dự án tạo được động lực phát triển, tạo sức bật cho kinh tế - xã hội của địa phương. Những nhà đầu tư, nhà phát triển dự án phải đảm bảo tiềm lực và uy tín để triển khai những dự án như vậy mới thuyết phục được địa phương, thuyết phục được nhà đầu tư.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Đinh Thế Hiển, đánh giá bất động sản vùng ven là phân khúc ổn định trong rất nhiều năm. Đây là loại hình phù hợp cho mọi đối tượng, từ "đại gia" cho đến người lao động. Theo ông Hiển, những người có tiền rất biết cách nhìn nhận vùng nào là tiềm năng, thường mua và để đó 5-10 năm đợi tăng giá. Ngược lại, những người lao động lại cần tìm nơi để "an cư lạc nghiệp", xây nhà có sân vườn… đây là "mục đích kép", vừa để ở vừa để sau này giá trị lâu dài là giá đất sẽ tăng lên.

Thị trường bất động sản vùng ven được hỗ trợ bởi 2 yếu tố thuận lợi là tốc độ đô thị hóa và hạ tầng kết nối tốt. Vùng ven có tỷ suất sinh lời cao và tốc độ tăng giá cũng cao hơn khu trung tâm nhờ yếu tố giá. Các nhà đầu tư với mức sống trung bình chỉ cần có trong tay khoảng 1-2 tỷ đồng hoặc vài trăm triệu đồng là có thể đầu tư bất động sản vùng ven Hà Nội hoặc TP.HCM.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vùng ven cũng là nơi khiến các nhà đầu tư dễ sa lầy nếu không nhạy bén và có kế hoạch tính toán rõ ràng. Bởi thực tế cho thấy, vùng ven là nơi khởi phát cho những cơn sóng đất chớp nhoáng chạy theo thông tin mập mờ về các dự án hạ tầng giao thông, những khu đô thị chỉ mới dạng đề xuất của các ông lớn bất động sản. 

Do đó, nhà đầu tư cần xác định rõ mua đất tại vùng ven thì không thể "đốt cháy" thời gian, việc lướt sóng trong thời gian ngắn có lãi cao là không thể. Trước khi xuống tiền, nhà đầu tư cần xem xét đến yếu tố phát triển kinh tế tại địa phương đó, mật độ dân cư…, bên cạnh các yếu tố về pháp lý.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống