Thị trường bất động sản đang khát vốn
Thị trường bất động sản đang trên đà giảm tốc mạnh, khi nhu cầu vốn không chỉ đối với doanh nghiệp bất động sản mà cả người có nhu cầu mua nhà, đất đều đang trong tình trạng khó khăn.
Nhà đầu tư đang chán đất nền
Tại buổi công bố Báo cáo thị trường Bất động sản mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho biết thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà giảm tốc mạnh.
Chính sách kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao trong đó có bất động sản đang khiến thị trường gặp khó khăn về giao dịch và gây ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản chung của thị trường. Cụ thể, số liệu từ báo cáo chỉ ra, trong quý 3/2022 mức độ quan tâm với bất động sản bán trên cả nước tiếp tục giảm mạnh.
Trong đó, mức độ quan tâm đến loại hình đất nền bán có sự sụt giảm mạnh nhất với 18% và ghi nhận giảm tại hầu hết các huyện vùng ven Hà Nội. Cụ thể, huyện Quốc Oai giảm 39%, Sóc Sơn giảm 30%, Gia Lâm giảm 28%, Thanh Trì giảm 24%, Hoài Đức giảm 17% và Đông Anh giảm 8%. Mức giá rao bán ghi nhận tăng nhẹ ở các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn và Hoài Đức và đang có xu hướng giảm ở các khu vực như Long Biên, Đông Anh, Thanh Trì.
“Đất nền tại Hà Nội là phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi thị trường bất động sản giảm thanh khoản. Trong bối cảnh hiện nay, những nhà đầu tư đang gặp áp lực về tài chính sẽ phải giảm giá, cắt lỗ để bán được hàng", đại diện Batdongsan.com.vn nói.
Cùng với đó, nhu cầu mua bất động sản Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%, Hà Nội giảm 1% so với quý 2 trước đó. Nhu cầu tìm mua các loại hình bất động sản đều giảm mạnh trong tháng 9, lượt tìm kiếm đất nền cả nước giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25% và biệt thự liền kề giảm 12% so với giai đoạn đầu năm 2022
Ngược lại, thị trường TP.HCM có phần diễn biến tích cực hơn khi nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng ở cả thị trường bán và cho thuê so với quý 2 trước đó. Trong đó, mức độ quan tâm đến đất nền tăng hầu hết tại các khu vực. Đơn cử, Hóc Môn và Nhà Bè tăng 11%, Bình Chánh tăng 10%, Thủ Đức tăng 9%, quận 12 tăng 6% và Quận 9 tăng 2%. Riêng Củ Chi ghi nhận giảm mạnh 43%. Mức giá rao bán cũng ghi nhận tăng nhẹ tại tất cả các huyện vùng ven.
Khát vốn
Lý giải tình trạng trên, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, trong quý vừa qua câu chuyện về nguồn vốn là trọng điểm được nhiều doanh nghiệp và người mua nhà quan tâm. Chính sách kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao trong đó có bất động sản đang khiến thị trường gặp khó khăn về giao dịch và gây ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản chung của thị trường.
Theo ông Quốc Anh, tình trạng khát vốn đã diễn ra từ đầu năm đến nay. Cả hai kênh dẫn vốn quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu cho các doanh nghiệp triển khai dự án đều khá khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều người mua nhà cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.
Các nguồn vốn chính của thị trường đều đang “hẹp cửa” với các doanh nghiệp khi tín dụng đang trên đà tăng trưởng nhanh so với mục tiêu 14% của Chính phủ trong năm 2022. Như vậy, room tín dụng cho vay trong năm nay sẽ không còn nhiều.
Ngoài ra, nguồn vốn từ trái phiếu bất động sản cũng không hề khả quan. Việc phát hành trái phiếu năm 2022 giảm mạnh, đặc biệt là với nhóm bất động sản. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 180 nghìn tỷ đồng, giảm 31,5% so với cùng kỳ.
Trong tương lai gần, lĩnh vực bất động sản sẽ khó thu hút được nguồn vốn tín dụng và trái phiếu khi việc cấp hạn mức tín dụng dựa trên năng lực của từng ngân hàng. Đặc biệt nguồn vốn sẽ không còn dễ dàng nữa khi tín dụng bất động sản sẽ phải ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng công nghiệp và khu vực sản xuất.
Cũng theo ông Quốc Anh, sức ép cho các chủ đầu tư là rất lớn trong giai đoạn sắp tới. Giao dịch bất động sản cũng đang gặp nhiều sức ép khi việc tiếp cận tín dụng của các nhà đầu tư khó khăn hơn. Thị trường đang có hiện tượng ngộp từ những người mua sử dụng vốn vay.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam nhìn nhận, gần 6 tháng qua, dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu.
Cũng theo ông Khương, Chính phủ cần có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, từ đó tăng tính liên kết, giúp thị trường bất động sản tận dụng được tiềm năng để phát triển bền vững.