“Trong dài hạn, dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường bất động sản phía Nam”
Đó là nhận định của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn khi trong 8 tháng đầu năm 2022 lượng quan tâm đến bất động sản (BĐS) tại TP HCM tăng 17% trong khi Hà Nội chỉ tăng 4%.
Khu vực phía Nam sẽ hút dòng tiền trong dài hạn
Kể từ thời điểm sau dịch Covid - 19, trong bối cảnh phục hồi kinh tế, khu vực phía Nam có sự phục hồi nhanh hơn so với khu vực phía Bắc, nhất là các khu công nghiệp, với lượng lớn người lao động quay trở lại, thúc đẩy nhu cầu về BĐS tăng gia tăng.
Thực tế, theo số liệu của Batdongsan.com.vn, trong khi lượt tìm kiếm BĐS toàn thị trường Hà Nội chỉ tăng 4% trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021, thì TP.HCM đạt mức tăng 17% và tăng ở hầu hết các loại hình. Cụ thể, mức độ quan tâm đến chung cư, nhà riêng và đất của TP.HCM tăng lần lượt là 17%, 9% và 8%.
Theo đó, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, mặc dù trước đó, dòng tiền đầu tư vào BĐS có xu hướng dịch chuyển từ Nam ra Bắc và miền Trung, tuy nhiên trong thời gian tới, dòng tiền sẽ sớm quay lại khu vực phía Nam.
Ông Quốc Anh cũng cho rằng, trong dài hạn, dòng tiền sẽ trở lại TP.HCM và các tỉnh miền Nam, vì kinh tế khu vực phía Nam vốn là đầu tàu cả nước, kinh tế bền vững, thu nhập của người dân ổn định và khả năng chi trả cho mặt hàng BĐS tốt. Bên cạnh đó, mặt bằng giá BĐS tại khu vực này duy trì ở mức ổn định.
“Phần lớn nhà đầu tư BĐS ở miền Nam đến từ miền Bắc. Trong hơn 2 năm dịch bệnh vừa qua, nhà đầu tư đã rút tiền về đầu tư vào các khu vực lân cận, khiến sự quan tâm đối với BĐS phía Bắc tăng khá mạnh. Khi lượng quan tâm tăng, BĐS miền Bắc bị đẩy mặt bằng giá lên cao, dòng tiền của nhà đầu tư sau đó lại tìm đến những khu vực có mặt bằng giá ổn định hơn như miền Trung và tiến vào miền Nam”, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn lý giải nguyên nhân.
Dòng tiền sẽ chỉ xoay quanh khu vực trung tâm
Nhu cầu đầu tư bất động sản hướng mạnh về phía Nam, tuy nhiên không phải mọi tỉnh thành tại đây đều là những thị trường tiềm năng và đón được dòng tiền đổ về.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển, ở thị trường phía Nam, vùng lõi trung tâm - TP.HCM với bán kính 30km vẫn là khu vực có sức hút lớn nhất. Ngoài ra, các nhà đầu tư, đầu cơ còn có xu hướng đổ tiền vào những “khu vực động lực”. Đó là những khu đô thị hóa, công nghiệp hóa, những thị trường có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ hay khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ví như khu vực từ Long An đến Bà Rịa - Vũng Tàu, đây là trục công nghiệp dịch vụ thương mại lấy tâm là TP.HCM, hay các đô thị xung quanh hưởng lợi từ Vành đai 3 như một phần tỉnh Long An (Bến Lức, Cần Giuộc, Châu Đức)… Khu vực này sẽ tập trung từ 30 - 40 triệu dân.
“Trong tương lai, các nhà đầu tư với nguồn vốn hẹp sẽ tập trung tại Bến Lức (tỉnh Long An) và đất nền có giá từ 12 - 14 triệu đồng/m2, nguồn vốn nhiều hơn thì đến Nhơn Trạch hoặc qua Long Thành (tỉnh Đồng Nai)… xa hơn chút nữa thì có Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Còn với nhà đầu tư vốn lớn có thể đầu tư tại TP.HCM như khu vực quận 9, TP. Thủ Đức. Phân khúc căn hộ Thủ Đức có giá từ 50 - 60 triệu đồng/m2 là mức có thể chấp nhận được để đầu tư”, ông Hiển nhìn nhận.
Tuy nhiên, TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, thị trường cả nước đang ở giai đoạn cầm chừng do nhiều vấn đề, nổi bật là những vướng mắc liên quan đến các chính sách đất đai. Vì vậy khi đầu tư bất cứ địa điểm nào cũng thì nhà đầu tư cũng cần xem xét kỹ đến yếu tố pháp lý dự án. Nắm chắc được yếu tố pháp lý ở thời điểm hiện tại sẽ quan trọng hơn cả việc tính lợi nhuận trước mắt của sản phẩm.