Thị trường bất động sản vẫn chứng kiến sự ảm đạm tại nhiều khu vực

Kể từ tháng 4/2022, khi Ngân hàng có động thái kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, thị trường lập tức chững lại. Theo đó, thanh khoản ở các khu vực xuống thấp, đặc biệt ở phân khúc đất nền, nhiều người bán nhưng khó tìm khách mua.

Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng

Báo cáo thị trường tháng 8 của DKRA Vietnam cho thấy, nguồn cung mới thị trường đất nền tại TP. HCM và vùng phụ cận thấp nhất kể từ đầu năm. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung tại các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai, hầu hết các dự án mở bán với số lượng nền khiêm tốn. Trong khi đó, sức cầu chung của toàn thị trường tiếp tục suy giảm và mặt bằng giá bán sơ cấp của các phân khúc không biến động nhiều so với tháng trước.

Bất động sản tại Đà Nẵng và vùng phụ cận tháng 8 cũng trong tình trạng ế ẩm. Sức cầu chung đối với phân khúc đất nền và căn hộ vẫn còn khá thấp.

Tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, nhiều môi giới bất động sản cũng thừa nhận, hiện nay tình hình thanh khoản của thị trường cũng rất ảm đạm. Đa phần những người liên hệ tới các văn phòng môi giới thời điểm này chỉ để nhờ bán bất động sản đang nắm giữ. Bên cạnh đó, do nguồn cung căn hộ nhiều năm nay khan hiếm nên các chung cư cũ cũng liên tục tăng giá mạnh. Tuy nhiên, thanh khoản ở phân khúc này cũng không đó nhiều.

Room tín dụng được tăng thêm ưu tiên giải ngân cho các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh hồi phục kinh tế, không phải chỉ dành cho bất động sản.
Room tín dụng được tăng thêm ưu tiên giải ngân cho các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh hồi phục kinh tế, không phải chỉ dành cho bất động sản.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước hiện đã nới room tín dụng cho một số tổ chức tín dụng, nhưng chỉ vài trăm nghìn tỷ đồng, con số này không thấm tháp gì với thị trường bất động sản. Cần cân nhắc các dòng vốn, xem xét cấp vốn với những dự án sắp hoàn thành để dự án tiếp tục hoạt động, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế.

Nới room tín dụng nhưng lãi suất cho vay tiếp tục tăng

Chuyên gia cho rằng, việc nới room tín dụng đang tạo tâm lý tích cực trên thị trường BĐS. Tuy nhiên, hiểu đúng thì room tín dụng được tăng thêm ưu tiên giải ngân cho các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh hồi phục kinh tế, không phải chỉ dành cho bất động sản như nhiều người đang nghĩ.

Tính đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, đạt hơn 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021. Cùng với đó, số tiền được giải ngân cho lĩnh vực bất động sản trong phần room được nới thêm cũng chỉ vừa đủ cho các chủ đầu tư lớn, các dự án lớn đang triển khai, các hồ sơ vay của cá nhân đã được cấp tín dụng đang "pending". Bên cạnh đó, vì nguồn cung tín dụng thấp hơn nhu cầu rất nhiều, các ngân hàng sẽ thẩm duyệt hồ sơ và chọn lọc khách vay kỹ hơn.

Với việc dòng tiền bơm vào ngân hàng không nhiều, các tổ chức tín dụng vẫn phải lựa chọn kỹ càng các đối tượng được vay, ưu tiên lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Bất động sản không nằm trong nhóm được ưu tiên.

Theo một số chuyên gia, việc lãi suất vay tiếp tục tăng là yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư chùn bước. Dù tâm lý của nhà đầu tư "vui" trở lại, nhưng động thái để bắt tay ngay vào thị trường chưa thể hiện ở giai đoạn này.

Trên thực tế, lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng lên 6,88%/năm. Đây cũng là mức lãi suất qua đêm cao nhất trên thị trường liên ngân hàng trong gần 10 năm qua. Các ngân hàng phải chấp nhận vay của nhau với chi phí vốn cao hơn cả lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ người dân, doanh nghiệp.

Lãi suất vay tăng sẽ tạo nên áp lực tài chính cho các doanh nghiệp bất động sản cũng như nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh vay ngân hàng vẫn là hình thức khả dĩ nhất để đầu tư. Việc khó tiếp cận nguồn tín dụng không chỉ khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư khó duy trì hoạt động kinh doanh mà còn giảm sức mua của khách hàng.

Theo các chuyên gia, lãi suất vay mua nhà đã tăng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng trở lại và dự báo có thể tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối nay. Ngoài ra, trong bối cảnh tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay thế chấp của các ngân hàng tư nhân dự báo có thể tăng lên 10-10,5%/năm vào cuối năm.

Theo một số chuyên gia, bản thân một phần nguồn tiền "hướng" về thị trường BĐS cũng "không dành cho tất cả mọi người".

Cụ thể, đối tượng được hỗ trợ vay là người mua nhà trong các dự án do chủ đầu tư phát triển. Nếu chủ đầu tư có quỹ đất sạch, pháp lý đầy đủ, uy tín trên thị trường thì dự án luôn nằm trong danh sách được các ngân hàng ưu tiên cho vay.

Tuy nhiên cần lưu ý chủ đầu tư chỉ hỗ trợ được 2 yếu tố là "mục đích vay là mua nhà" và "tài sản đảm bảo bằng chính căn nhà được mua" (phần này hiện cũng đã bị hạn chế bớt), còn việc chứng minh dòng tiền thu nhập đủ trả nợ ngân hàng vẫn là trách nhiệm của người mua nhà. Nếu thu nhập không đảm bảo trả nợ thì ngân hàng bảo lãnh/đồng hành cùng dự án vẫn từ chối cho vay.

Theo đó, nhiều nhà đầu tư BĐS vẫn tỏ vẻ thận trọng khi vẫn ở trạng thái quan sát thị trường. Tuy nhiên, có một thực tế là tâm lý nhà đầu tư có phần tự tin hơn, hi vọng thanh khoản sẽ hồi phục vào thời điểm cuối năm, nhất là các nhà đầu tư đang có nguồn hàng cần "đẩy đi" ở giai đoạn này.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống